Công ty CP Hanel: Từ lùm xùm cổ phần hóa đến khoản nợ khó đòi cả trăm tỷ đồng

Không chỉ gánh khoản nợ khó đòi lên tới hơn trăm tỷ đồng, Công ty CP Hanel còn dính lùm xùm trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước.
Nguy cơ thất thoát hơn 100 tỷ đồng: Công ty CP Hanel giải trình thế nào? Nguy cơ thất thoát hơn 100 tỷ đồng tại Công ty CP Hanel

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty CP Hanel tiền thân là Công ty Điện tử Hà Nội thành lập năm 1984 (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND TP Hà Nội làm đại diện chủ sở hữu), sau đó là Công ty TNHH MTV Hanel và được phê duyệt cổ phần hóa vào năm 2015.

Ngày 30/10/2015, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5812/QĐ-UBND phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV Hanel, trong đó xác định lại giá trị vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này là 1.925.440.826.842 đồng và vốn điều lệ là 1.926.000.000.000 đồng.

Sau đó, ngày 20/4/2016, công ty thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Ngày 23/6/2017, công ty tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 27/6/2017.

cong ty cp hanel tu lum xum co phan hoa den khoan no kho doi ca tram ty dong
Lễ ký biên bản bàn giao Công ty TNHH MTV Hanel sang Công ty CP Hanel diễn ra ngày 13/12/2018. Ảnh: Hanel.

Ngày 17/7/2017, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4638/QĐ-UBND về việc chuyển Công ty TNHH MTV Hanel thành Công ty CP Hanel. Ngày 7/12/2018, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 6687/QĐ-UBND về việc phê duyệt chi phí cổ phần hóa và giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chuyển Công ty TNHH MTV Hanel thành Công ty CP Hanel.

Đến ngày 13/12/2018, Công ty CP Hanel hoàn thành xong việc bàn giao từ Công ty TNHH MTV sang công ty cổ phần. Tuy nhiên, khi chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, doanh nghiệp này không lên sàn UPCoM để minh bạch thông tin theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Mới đây, vào tháng 2/2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Hanel.

Theo đó, Công ty CP Hanel bị phạt tiền 300.000.000 đồng do đăng ký giao dịch chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng. Công ty được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước theo hình thức đấu giá tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội ngày 20/4/2016. Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2019, công ty mới được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu.

Như chúng tôi đã thông tin, Công ty CP Hanel vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán với tình hình kinh doanh có dấu hiệu đi xuống trong năm 2019.

Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính hợp nhất không chỉ cho thấy tình hình không mấy khả quan của Công ty CP Hanel mà còn chỉ ra nguy cơ mất số tiền hàng trăm tỷ đồng tại doanh nghiệp này.

Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2019, Công ty CP Hanel ghi nhận công nợ phải thu với Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G số tiền gần 103 tỷ đồng (bao gồm khoản gốc đặt cọc là 86,7 tỷ đồng và khoản lãi dự thu là 16,1 tỷ đồng); số nợ này chưa được công ty ghi nhận khoản lãi chậm thanh toán cho giai đoạn từ 28/6/2017 - 31/12/2019 do khoản nợ phải thu này đã quá hạn thanh toán nhiều năm. Hiện khoản nợ này vẫn chưa chắc chắn về khả năng thu hồi.

Theo Thư xác nhận công nợ ngày 30/6/2019 được ký bởi Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G thì công ty này chỉ xác nhận tiền gốc đã nhận từ Công ty CP Hanel là 80 tỷ đồng, chênh lệch giảm so với số công ty đang theo dõi là 22,9 tỷ đồng (giá trị này đã ghi tăng phần vốn Nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần).

Hiện tại hai bên vẫn chưa thống nhất được số liệu đối chiếu. Tại ngày 31/12/2019, các khoản công nợ trên đã quá hạn thanh toán, Công ty CP Hanel đang tiếp tục làm việc với Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G để thống nhất kế hoạch trả nợ, Công ty CP Hanel chưa trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi này.

Tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán VACO nhấn mạnh, khoản nợ này đã quá hạn thanh toán nhưng chưa được Công ty CP Hanel đánh giá việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, ước tính giá trị khoảng 78,92 tỷ đồng. Như vậy, nếu không thể thu hồi thì đây sẽ là khoản thất thoát lớn cho Công ty CP Hanel và người chịu ảnh hưởng lớn nhất là cổ đông nhà nước của doanh nghiệp.

Liên quan đến khoản nợ này, trong văn bản giải trình gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Công ty CP Hanel cho biết, Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G và công ty này đã ký biên bản xác nhận và xử lý nợ ngày 31/5/2017 với số công nợ gốc và lãi tạm tính đến ngày 31/5/2017 là 102,9 tỷ đồng. Nội dung này đã được Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G thông qua tại cuộc họp cùng ngày.

Sau đó, Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G tiếp tục xác nhận số nợ theo số phát sinh tương ứng tại các thời điểm 31/12/2017, 30/6/2018. Tuy nhiên, kể từ thời điểm 31/12/2018 đến nay, Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G bắt đầu có ý kiến trái ngược, mâu thuẫn về công nợ so với các văn bản hồ sơ đã ký trước đó.

Theo Công ty CP Hanel, ngày 7/11/2019, Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G gửi tới công ty công văn có nội dung về kế hoạch trả nợ trong quý 4/2019 và năm 2020. Tiếp đó, Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G gửi tới Công ty CP Hanel công văn khẳng định về kế hoạch trả nợ trên.

Tuy nhiên, kế hoạch trả nợ này chưa phù hợp với yêu cẩu của Công ty CP Hanel. Đến thời điểm hiện tại, hai bên vẫn tiếp tục thảo luận và thương thảo. Công ty CP Hanel yêu cầu Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G xác nhận công nợ tại thời điểm ngày 31/12/2019 và đưa ra kế hoạch trả nợ phù hợp, khả thi.

"Công ty đã báo cáo những nội dung liên quan đến chủ sở hữu chính là UBND TP Hà Nội. Trong thời gian tới, trường hợp không thống nhất được phương án xử lý, công ty sẽ thực hiện thủ tục gửi cơ quan bảo vệ pháp luật để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của doanh nghiệp'', Công ty CP Hanel cho biết.

Được biết, Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G là doanh nghiệp đối tác quen thuộc của Công ty CP Hanel dưới thời Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Quốc Bình (miễn nhiệm ngày 1/7/2019). Năm 2012, Công ty CP Hanel cho đối tác vay 40 tỷ đồng, sau đó tăng lên thành 80 tỷ đồng trong năm 2015, bản chất của các giao dịch này là ủy thác đầu tư. Trong khi đó, hình thức ủy thác đầu tư rất dễ gây thất thoát, và bài học là Công ty CP Hanel đang chật vật trong quá trình đòi nợ.

Văn Huy
Phiên bản di động