Có tình trạng giấu giếm trong các sự cố về an toàn thực phẩm

Tại các đơn vị xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm (ATTP), cán bộ tuyến dưới đã giấu giếm. Khi người dân, các cơ quan báo chí phản ánh lên thì lúc đó mới báo cáo, nên vào cuộc không kịp thời.
Khai mạc phiên giải trình về an toàn thực phẩm
co tinh trang giau giem trong cac su co ve an toan thuc pham
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên giải trình việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP trên địa bàn thành phố

Phát biểu cuối phiên họp giải trình việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP trên địa bàn thành phố của HĐND TP Hà Nội sáng 4/11, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, ATTP là vấn đề được rất nhiều cử tri và nhân dân quan tâm. Thời gian qua, Hà Nội đã vào cuộc rất quyết liệt, đạt nhiều kết quả trong công tác này, song cũng còn không ít tồn tại, hạn chế.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, mục tiêu của thành phố là triển khai các biện pháp để làm sao không xảy ra sự cố ATTP

Dù vậy, thực tế vừa qua vẫn xảy ra những sự cố như ngộ độc rượu methanol khiến 5 người tử vong, ngộ độc bếp ăn tập thể tại một trường học ở huyện Đông Anh khiến nhiều học sinh nhập viện…

Thành phố đã xây dựng các quy trình, quy chế rất rõ ràng liên quan đến ứng xử với các sự cố này, có phân công trách nhiệm rất rõ, với phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, thành phố, có phân công trách nhiệm cho các cơ sở y tế đóng trên địa bàn cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế của Trung ương trong việc tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân. Thực tế, thành phố cũng đã tổ chức các cuộc diễn tập…

"Các đơn vị xảy ra sự cố về ATTP, cán bộ tuyến dưới, khi xảy ra vụ việc, ban đầu vẫn có tình trạng giấu giếm. Khi người dân, các cơ quan báo chí phản ánh lên thì lúc đó mới báo cáo, nên vào cuộc không kịp thời", Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.

Trả lời thêm câu hỏi liên quan đến ứng phó của thành phố sau sự cố nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, khi xảy ra sự cố, thành phố đã cử ngay cán bộ xuống lấy mẫu, tiến hành xét nghiệm chất lượng nước liên tục, đồng thời tiến hành điều tiết nguồn nước từ các công ty cấp nước khác để cấp nước cho người dân.

“Qua sự việc này, chúng tôi cũng nhận thức rõ trách nhiệm và trong thời gian tới sẽ có một cuộc họp để rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, có ứng phó kịp thời hơn với người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chia sẻ.

Cuối cùng, giải trình câu hỏi của đại biểu Phạm Đình Đoàn về việc có thể xây dựng Hà Nội thành Thủ đô ẩm thực hay không, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện Hà Nội đang triển khai các giải pháp đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Muốn vậy, chúng ta phải tận dụng, phát huy được hết các thế mạnh của Hà Nội, trong đó việc xây dựng, phát triển các thương hiệu về ẩm thực của thành phố là một trong những nội dung rất quan trọng.

Hàng năm, Sở Công Thương cùng Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội thường xuyên tổ chức các lễ hội, hội chợ về ẩm thực. Sau 3 năm triển khai chủ trương này, hiện thành phố đang giao cho 2 sở trên tiến hành chấm điểm, xếp hạng thương hiệu các cửa hàng, các loại ẩm thực của các làng văn hóa ở Thủ đô.

Hà Nội cũng đang thí điểm xây dựng các chuỗi cửa hàng hoa quả đảm bảo ATTP, tới đây sẽ tiếp tục nhân rộng ra các mặt hàng khác, ở các quận huyện. Đồng thời, thành phố cũng có chủ trương khuyến khích các nghệ nhân của các làng nghề ẩm thực nổi tiếng ở Hà Nội và hàng năm tổ chức vinh danh họ.

“Mục tiêu là làm sao để ẩm thực của Hà Nội trở thành một thứ không thể thiếu được trong đời sống, cũng như là một thứ sản phẩm không thể thiếu được với khách nước ngoài và khách các tỉnh, thành phố khác khi đến Hà Nội”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nói.

Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động