Cô giáo mầm non sáng tạo phần mềm quản lý trẻ và trả muộn

Bức xúc và lo lắng trước vấn nạn bắt cóc trẻ em vẫn thường xảy ra trong xã hội, cô giáo Hiệu trưởng trường Mầm non Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) Phan Vũ Lan Anh đã xây dựng và hoàn thiện phần mềm quản lý trẻ và trả muộn.
Hà Nội: Bé mầm non 4 tuổi nguy kịch sau giờ học ngoài trời ở trường Cô giáo mầm non "quẩy" tưng bừng đạo diễn cho học trò trên sân khấu

Chia sẻ về lý do ra đời của phần mềm, cô Lan Anh cho biết: Trường Mầm non Liên Mạc có nhiều cha mẹ học sinh làm trong khu công nghiệp, thường xuyên về muộn cho nên phải gửi con ở lớp trả muộn.

Công tác nhận diện người thân để giao nhận trẻ là khó khăn lớn nhất đối với các cô phụ trách lớp trả muộn. Bởi các con đến từ nhiều lớp khác nhau, giáo viên trực trả muộn không phải là giáo viên chủ nhiệm lớp của trẻ, từ đó kẻ gian có thể lợi dụng để giả danh người nhà đến đón trẻ.

Cô Phan Vũ Lan Anh
Cô Phan Vũ Lan Anh

“Dù nhà trường chưa để xảy ra thất lạc hay bắt cóc trẻ em nhưng làm sao để bảo đảm an toàn cho trẻ và giáo viên phụ trách nhận diện được đúng người được phép đón trẻ là ý nghĩ luôn thường trực trong đầu tôi. Ý tưởng “Phần mềm quản lý trẻ và trả muộn” ra đời bắt nguồn từ trăn trở đó", cô Phan Vũ Lan Anh chia sẻ.

Giai đoạn đầu khi mới thực hiện, cô Lan Anh xây dựng phần mềm dựa trên ứng dụng Hyperlink Powerpoint và Insert Comment trong Excel. Phần mềm này giúp cho giáo viên nhận diện đúng người được phép đón trẻ. Tuy nhiên, ứng dụng này được lưu trên ổ cứng và chỉ được lưu ở máy tính cố định, cũng như file ảnh rất nặng dẫn đến khó khăn cho giáo viên trong quá trình thực hiện, mất thời gian.

Khắc phục những hạn chế này, cô Lan Anh tranh thủ sự giúp đỡ của một phụ huynh có kiến thức về lập trình và đã thiết kế, nâng cấp phần mềm lên thành trang web thuận tiện, tính ứng dụng cao. Đặc biệt, tất cả máy tính có kết nối mạng hay điện thoại thông minh đều có thể truy cập.

Để tránh hacker xâm nhập vào hệ thống, cô Lan Anh đã tham khảo ý kiến các chuyên gia để nâng cao tính bảo mật, bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, tiến tới đăng ký bản quyền cho phần mềm, tối ưu hóa, giúp giữ gìn thông tin an toàn và chính xác.

Song song với đó, cô triển khai tới toàn thể cha mẹ học sinh viết bản cam kết thực hiện quy định đưa và đón trẻ. Trong bản cam kết này, cha mẹ học sinh có thể đăng ký từ 1 - 3 người được phép đón trẻ; Cùng với đó là các quy định trách nhiệm đối với cha mẹ học sinh và giáo viên.

Khi sử dụng phần mềm quản lý trẻ và trả muộn http://lananhquanlytre.edu.vn, đối với những học sinh chưa trả, danh sách tự động chuyển sang phần "Đón muộn". Giáo viên phụ trách lớp trả muộn chỉ cần đăng nhập vào mục "Danh sách đón muộn" sẽ hiển thị đầy đủ thông tin của những học sinh chưa về và ở lớp trả muộn.

Khi cha mẹ học sinh tới đón, giáo viên phụ trách phải kiểm tra đối chiếu thông tin bằng cách kích chuột vào cột "Chi tiết" để kiểm tra thông tin. Giáo viên đối chiếu thực tế với thông tin trên phần mềm, nếu đúng thì được phép trả trẻ và kích vào cột "Trả học sinh".

“Từ khi “Phần mềm quản lý trẻ và trả muộn” đưa vào vận hành, khó khăn lớn nhất trong khâu nhận diện người đón trẻ được giải quyết triệt để, tạo sự tin tưởng cho cha mẹ học sinh và yên tâm cho giáo viên. Không chỉ vậy, với phần mềm này, giáo viên chủ nhiệm nắm được thông tin những người được phép đón trẻ.

Phần mềm đã góp phần quan trọng bảo đảm an toàn cho học sinh trong môi trường học đường, đề phòng tội phạm bắt cóc trẻ em một cách hữu hiệu”, cô Lan Anh nhận định.

Hiệu trường trường Mầm non Liên Mạc chia sẻ, kết quả này tuy nhỏ nhưng là niềm vui lớn, là động lực giúp cô say mê hơn với công việc. Hiện nay, cô đang nung nấu phát triển phần mềm quản lý tất cả học sinh dựa vào nhận diện bằng vân tay, khuôn mặt hoặc mã QR.

Không chỉ là giáo viên giàu tình thương yêu dành cho học trò, trong suốt 23 năm công tác với 11 năm là giáo viên và 12 năm làm công tác quản lý, cô Lan Anh luôn nêu cao tinh thần tự học tập và rèn luyện, sáng tạo tìm tòi những điểm mới để mang lại cho học sinh những điều kiện tốt nhất cả về chăm sóc và giáo dục.

Với suy nghĩ ấy, cô Phan Vũ Lan Anh luôn động viên các giáo viên trong trường không ngừng sáng tạo, trau dồi tri thức để vững về chuyên môn, không ngừng đổi mới và sáng tạo. Để hỗ trợ cho các giáo viên trong hành trình này, cô đã mời các giảng viên về hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, các phương pháp tiên tiến như tham gia lớp tập huấn chuyên đề, phương pháp giáo dục mới Montessori, Steam và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy…

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động