Chuyện ít biết về 2 nữ tỷ phú Việt là doanh nhân quyền lực châu Á

Hai gương mặt của Việt Nam được Tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách Nữ doanh nhân quyền lực châu Á là tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO của Vietjet Air và bà Trần Thị Lệ - CEO của Nutifood.
Doanh nhân Chu Thị Tiến: Muốn thành công phải biết bán đúng thứ người ta cần! Bà Thái Hương nhận giải thưởng Nữ doanh nhân quyền lực ASEAN Hai CEO của Việt Nam lọt danh sách nữ doanh nhân quyền lực Châu Á

CEO Vietjet Air - người làm nên lịch sử ngành hàng không

Theo đánh giá của Forbes, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên lịch sử trong ngành hàng không, nơi nam giới thường chiếm ưu thế bằng việc trở thành người phụ nữ duy nhất xây dựng và lãnh đạo hãng hàng không thương mại lớn của riêng mình.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970, là người Hà Nội gốc, sau khi học chuyên ngành Kinh tế và tài chính tại Nga vào những năm 1980, bà Thảo đã khởi nghiệp kinh doanh hàng hóa tại Đông Âu và châu Á.

Lúc đầu, khi số vốn còn ít ỏi, bà nhận các mặt hàng quần áo, thiết bị văn phòng và hàng tiêu dùng từ nhà cung cấp ở Nhật, Hồng Kông và Hàn Quốc, rồi bán ở Nga trong những năm trước khi Liên Xô tan rã. Trong vòng 3 năm kinh doanh đầu tiên, bà Thảo đã kiếm được 1 triệu USD. Sau đó, bà chuyển sang buôn thép, máy móc, phân bón và các mặt hàng khác.

chuyen it biet ve 2 nu ty phu viet la doanh nhan quyen luc chau a
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air. Ảnh: Internet.

Cơ duyên đưa bà Thảo đến với ngành hàng không khá sớm nhưng đầy gian truân. Năm 2007, bà Thảo nhận được giấy phép đầu tư vào Vietjet Air song buộc phải trì hoãn kế hoạch vì giá dầu cao vọt. Năm 2010, bà và Hãng AirAsia đạt được thỏa thuận liên doanh song mô hình này cũng sớm đổ vỡ vì nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đến năm 2011, bà Nguyễn Thị Phương Thảo chính thức tự mở hãng hàng không riêng. Thông qua Công ty Sovico Holdings, bà cùng chồng là ông Nguyễn Thanh Hùng là chủ sở hữu chính của Vietjet Air. Những ngày đầu, Vietjet Air từng tạo một cú sốc lớn với dư luận và giới truyền thông với kế hoạch quảng cáo "Hãng hàng không Bikini" đầy tranh cãi. Nhưng cũng không thể phủ nhận, nhờ thế mà thương hiệu Vietjet Air cũng được nhiều người biết đến.

Ngay khi bước chân vào lĩnh vực hàng không, Vietjet Air đã nhanh chóng khẳng định mình và trở thành đối thủ chính của Vietnam Airlines về thị phần ngành hàng không trong nước.

Hiện nay, Vietjet có một đội tàu bay 40 chiếc Airbus A320 và A321, vận hành trên 53 đường bay trong đó có 36 đường bay trong nước và 17 đường bay quốc tế, theo công bố của hãng này. Trung bình cứ hơn một tháng thì hãng này mở ra một đường bay mới và mỗi ngày, hãng vận hành khoảng 250 chuyến bay.

Thành công với Vietjet Air đã giúp bà Thảo trở thành một nữ doanh nhân giàu có. Bà đã trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam, với giá trị tài sản lên tới 2,5 tỷ USD, đồng thời ghi tên mình vào danh sách những phụ nữ tự làm giàu giàu có nhất Đông Nam Á.

CEO Trần Thị Lệ - Người hồi sinh Nutifood

Bà Trần Thị Lệ sinh năm 1973, không phải là người có xuất thân từ dân kinh doanh mà từ ngành y. Nhưng cũng từ ngành y đã đưa nữ bác sĩ bén duyên đến với thương trường.

Năm 2000, quy mô Nutifood còn rất nhỏ khi bà được mời về. Bản thân bà cũng chưa hiểu biết về kinh doanh nhưng đã tham vọng đưa thương hiệu ra tầm quốc tế. Bà đổi tên cơ sở thực phẩm Đồng Tâm sang Nutifood.

chuyen it biet ve 2 nu ty phu viet la doanh nhan quyen luc chau a
Bà Trần Thị Lệ - CEO Nutifood. Ảnh: Internet.

Ngay lập tức, công ty tăng trưởng phi mã, trung bình 237% mỗi năm. Từ cơ sở nhỏ lẻ, doanh số công ty chạm mốc 500 tỷ đồng năm 2007.

Khát vọng vươn cao hơn, công ty sau đó tung cổ phiếu lên sàn, đồng thời bà Lệ tuyển dụng nhiều nhân sự chuyên nghiệp nắm vai trò điều hành. Tuy nhiên, năm 2008, với tốc độ lớn mạnh quá nhanh, Nutifood không kịp dự phòng các rủi ro, công ty lâm vào giai đoạn khủng hoảng, lỗ đến cạn vốn điều lệ.

Lúc này, Hội đồng quản trị Nutifood muốn bà Lệ quay lại vị trí điều hành và nữ doanh nhân bắt đầu công cuộc vực dậy công ty. Trở lại công ty, nữ giám đốc tự mình thuyết phục nhân viên ở lại, đồng cam cộng khổ. Bà cũng lao vào làm ngày làm đêm gần 5 năm liên tục để giúp công ty phục hồi, thoát lỗ và tìm lại lợi nhuận.

Sau nhiều năm lèo lái, bà Trần Thị Lệ đã đưa Nutifood từ một thương hiệu mờ nhạt trở thành một trong 5 thương hiệu điển hình của Việt Nam và dẫn đầu về thị phần cho mặt hàng sữa bột nguyên kem và sữa dành cho trẻ em đang tăng trưởng.

Năm 2013, bà Trần Thị Lệ và chồng - ông Trần Thanh Hải trở thành cổ đông chính của một công ty thực phẩm mờ nhạt mang tên Nutifood. Cả hai đã biến Nutifood trở thành doanh nghiệp sản xuất sữa dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam với doanh thu cao gấp ba lần, lên mức 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế cao gấp năm lần, lên 828 tỷ đồng vào năm 2018.

Nutifood hiện đang vận hành bốn nhà máy tại Việt Nam, chủ yếu sản xuất sữa bột trẻ em và các sản phẩm thực phẩm chức năng. Bà Trần Thị Lệ hiện nắm giữ vị trí CEO, trong khi ông Trần Thanh Hải làm Chủ tịch công ty. Mục tiêu của doanh nghiệp là bành trướng ra khỏi lãnh khổ Việt Nam bằng cách đầu tư ra nước ngoài thông qua các liên doanh và mua bán sáp nhập. Gần đây Nutifood đã hợp tác với Công ty Nhật bản Asahi để cung cấp thực phẩm chức năng và các sản phẩm dành cho trẻ em dưới thương hiệu Wakodo Nutifood.

Ngoài thương trường, dấu ấn của bà Trần Thị Lệ còn thể hiện ở nhiều hoạt động đóng góp cho cộng đồng, nhất là các hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em và bệnh nhân nghèo, hỗ trợ đồng bào bị bão lụt, thiên tai trên cả nước, tài trợ các chương trình dinh dưỡng cho thể thao, bóng đá, các tài năng trẻ, xây dựng học viện bóng đá.

Thành Nhân
Phiên bản di động