Chuyên gia Nhật đã sang Việt Nam giám sát xuất khẩu vải thiều

Sau thời gian cách ly dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang, chuyên gia Nhật Bản sẽ trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch đối với các lô vải thiều xuất khẩu đi Nhật Bản.
Quả vải Việt Nam chưa thể xuất sang Nhật vì dịch Covid-19

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vào hồi 15h30 ngày 3/6, chuyên gia của Nhật Bản đã đến Việt Nam để trực tiếp kiểm tra, giám sát kiểm dịch đối với các lô vải tươi xuất khẩu sang thị trường nước này.

Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang và các cơ quan hữu quan đón chuyên gia theo đúng quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Được biết, chuyên gia Nhật sẽ phải thực hiện cách ly tại một khách sạn tại tỉnh Bắc Giang theo quy định phòng chống dịch Covid-19 trước khi chính thức làm việc tại hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang.

chuyen gia nhat da sang viet nam giam sat xuat khau vai thieu
Chiều 3/6, chuyên gia của Nhật Bản đã đến Việt Nam trên chuyến bay VN311 để giám sát quá trình khử trùng vải thiều xuất khẩu sang thị trường nước này. Ảnh: Cục BVTV.

Theo kế hoạch ban đầu đưa ra đầu tháng 3/2020, phía Nhật Bản dự kiến sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam vào giữa tháng 4/2020 để kiểm tra các cơ sở xử lý và trực tiếp giám sát công tác kiểm dịch cũng như xử lý từng lô vải xuất khẩu. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vào tháng 3/2020, phía Nhật Bản đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra kỹ thuật và đăng ký cho 3 cơ sở xử lý.

Trước đó, hồi cuối năm 2019, Bộ Nông lâm Ngư nghiệp của Nhật Bản đã gửi thư cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông) thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản.

Theo đó, Nhật Bản chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vải thiều Việt Nam. Quy định này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2019.

Được biết, các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản bao gồm: quả vải thiều phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

chuyen gia nhat da sang viet nam giam sat xuat khau vai thieu
Cơ hội cho trái vải đến được một trong những thị trường khắt khe nhất thế giới.

Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và Bộ Nông lâm Ngư nghiệp của Nhật Bản công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian hai giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản. Các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.

Ngay sau khi có thông tin phí Nhật đồng ý nhập khẩu vải thiều tươi của Việt Nam, tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã tích cực chuẩn bị vùng nguyên liệu cho việc sản xuất quả vải xuất khẩu.

Theo đó, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật chọn và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng với diện tích 103 ha ở huyện Yên Thế và Lục Ngạn. Trong khi đó, huyện Thanh Hà (Hải Dương) cũng được cấp 8 mã số vùng trồng mới để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại tỉnh Bắc Giang, tổng diện tích vải toàn tỉnh này là 28.126 ha, ước tổng sản lượng năm 2020 đạt 160.000 tấn (trong đó vải thiều sớm ước đạt 45.000 tấn; vải thiều chính vụ ước đạt 115.000 tấn). Diện tích vải thiều trồng theo tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap chiếm trên 50% và ngày càng được mở rộng, hướng tới đạt 100% diện tích. Quả vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ tại gần 10 quốc gia.

Thời gian thu hoạch vải tại tỉnh Bắc Giang dự kiến từ ngày 20/5 đến ngày 25/7. Trong đó, vải thiều sớm thu hoạch từ ngày 20/5 đến ngày 5/6; vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 đến ngày 25/7. Hiện nay, thị trường tiêu thụ vải của tỉnh Bắc Giang ở trong nước chiếm khoảng 50%; xuất khẩu chiếm 50% (xuất khẩu chủ yếu là vải thiều tươi vào thị trường Trung Quốc).

Trong khi đó, tỉnh Hải Dương có tổng diện tích sản xuất vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu và thị trường cao cấp là 220ha, với sản lượng dự kiến đạt 1.250 tấn. Theo dự kiến, trà vải sớm sẽ cho thu hoạch từ ngày 5-30/5/2020 và trà vải thiều cho thu hoạch từ ngày 1-25/6/2020.

Văn Huy
Phiên bản di động