Chuyện của nữ sinh được tháp tùng Tổng thư ký Hiệp hội điền kinh Châu Á

Tham gia tình nguyện tại SEA Games 31, Phạm Nguyễn Diệu Linh (sinh viên trường Đại học Hà Nội) may mắn có cơ hội trở thành phiên dịch viên và tháp tùng Tổng thư ký Hiệp hội điền kinh châu Á A Shuggumarran . “Sứ mệnh” nặng nề nhưng Linh đã hoàn thành tốt và thu về cho bản thân nhiều bài học cũng như kỹ năng.
Điền kinh Việt Nam và những cột mốc lịch sử tại SEA Games 31

Cơ hội học hỏi

Linh hiện là sinh viên năm thứ hai, khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch, hệ chất lượng cao, trường Đại học Hà Nội. Với chuyên ngành này, tiếng Anh là ngôn ngữ cô gái trẻ sử dụng thường xuyên ở trường. Vì thế, Linh luôn muốn có cơ hội rèn luyện cả kiến thức và kỹ năng trong những sự kiện lớn, môi trường làm việc chuyên nghiệp.

SEA Games 31 là một cơ hội tuyệt vời để Linh thực hiện mong muốn đó nên quyết tâm trở thành một tình nguyện viên. May mắn cô gái trẻ được phân công làm phiên dịch viên và tháp tùng ông A Shuggumarran, Tổng thư ký Hiệp hội điền kinh châu Á. Linh cho biết, nói một cách dễ hiểu hơn thì công việc này cũng giống như thư ký trong thời gian ông ở Việt Nam.

Nguyễn Phạm Diệu linh (bên trái) cùng Tổng thư ký Hiệp hội điền kinh Châu Á và thư ký riêng của ông
Nguyễn Phạm Diệu linh (bên trái) cùng Tổng thư ký Hiệp hội điền kinh Châu Á và thư ký riêng của ông

Đảm nhận phiên dịch cho Tổng thư ký hiệp hội điền kinh Châu Á nên Linh gọi người đàn ông này với tên thân mật là “Sếp”. Trước đó, cô gái trẻ cùng Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam ra sân bay đón vị khách đặc biệt này, làm thủ tục hỗ trợ ông nhận phòng.

Những ngày làm việc, Linh ra sân cùng “Sếp” kiểm tra dụng cụ, đường chạy… thậm chí tháp tùng ông trong tất cả các buổi gặp mặt, họp kỹ thuật, ăn tối, tiệc với nước chủ nhà Việt Nam nói riêng và các quốc gia tham dự kỳ SEA Games 31 nói chung.

“Mình luôn phải sẵn sàng tâm thế để trở thành phiên dịch viên của họ trong tất cả các buổi gặp mặt, nói chuyện. Tổng thư ký là người phải tiếp nhận mọi ý kiến, đóng góp, yêu cầu từ các quốc gia tham dự SEA Games 31. Các vận động viên, huấn luyện viên, trưởng đoàn tham dự, bất kể họ có vấn đề gì chưa được giải quyết hay còn băn khoăn, họ sẽ báo tới Tổng thư ký. Mình sẽ là cầu nối để đưa những ý kiến đó tới Ban tổ chức Việt Nam, giúp “Sếp” đảm bảo các vấn đề được giải quyết nhanh chóng nhất, không làm ảnh hưởng tới lịch thi đấu của các vận động viên, đặc biệt là danh tiếng của nước chủ nhà”, Linh kể.

Diệu Linh chụp ảnh lưu niệm cùng những người bạn nước ngoài
Diệu Linh chụp ảnh lưu niệm cùng những người bạn nước ngoài

Tự hào là một tình nguyện viên

Dù đã chuẩn bị rất kỹ nhưng trong quá trình diễn ra nội dung điền kinh SEA Games 31, có một số sự việc bất ngờ đã xảy đến. Vì thế, Linh phải hỗ trợ Tổng thư ký giải quyết vấn đề, không để các quốc gia tham dự phật lòng hay có ấn tượng không tốt về Việt Nam.

“Ở ngày đầu tiên mình chưa quen và hơi bất ngờ nên có phần bối rối. Tuy nhiên sang các ngày sau, mình dần hiểu tính cách của “Sếp” hơn nên hỗ trợ được ông nhiều hơn trong giải quyết các tình huống phát sinh. Rất may mắn, mình luôn được “Sếp” hỗ trợ, chỉ bảo mỗi khi bối rối nên cảm thấy yên tâm hơn nhiều”, Linh chia sẻ.

Diệu Linh được học hỏi rất nhiều từ những người bạn mới
Diệu Linh được học hỏi rất nhiều từ những người bạn mới

Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa dừng lại, vì đây là lần đầu tiên Linh trở thành phiên dịch viên với một sự kiện về thể thao. Kiến thức về thể thao nói chung hay môn điền kinh nói riêng của cô gái trẻ vẫn còn hạn chế. Vì vậy, đôi khi, Linh không hiểu hết vấn đề, đặc biệt khi nói về các luật, chuyên môn của môn điền kinh.

Để khắc phục điều này, Linh học thêm nhiều từ vựng về thể thao và môn điền kinh nói riêng. Cô gái trẻ cũng đọc Luật điền kinh thế giới và bất cứ khi nào thấy vướng mắc, sẽ hỏi ý kiến “Sếp” và được ông hướng dẫn rất tận tình.

Vì thế, quãng thời gian tình nguyện ở SEA Games 31 không dài những đã đủ mang đến cho Linh những kỷ niệm và bài học quý giá.

Diệu Linh chụp ảnh cùng vận động viên đoạt giải
Diệu Linh chụp ảnh cùng vận động viên đoạt giải

“Mình đã khóc rất nhiều ở sân bay khi tiễn “Sếp” về nước. Chính bản thân mình cũng không nghĩ rằng lại có tình cảm nhiều và xúc động như vậy. Mình cảm thấy hụt hẫng khi đột ngột phải chia tay một người mà mình làm việc và gặp họ liên tục trong một khoảng thời gian dài”, Linh tâm sự.

Cô gái trẻ cho biết thêm, SEA Games 31 chắc chắn là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời. Đó là một trải nghiệm rất khó quên khi Linh được chứng kiến đại biểu đến từ các nước và nhất là chủ nhà Việt Nam cùng nỗ lực, cố gắng trong các hoạt động của Đại hội. Nếu không có sự đoàn kết từ các quốc gia và hiệp hội, chắc chắn sẽ không thể có một kỳ Đại hội thành công như thế.

SEA Games 31 đã cho Linh những kỷ niệm không thể quên
SEA Games 31 đã cho Linh những kỷ niệm không thể quên

Linh cũng cảm nhận được sự đoàn kết, nỗ lực từ các đại biểu, đại diện các quốc gia trong những buổi họp, gặp mặt hay ngay trực tiếp trên sân vận động. Riêng đối với bộ môn điền kinh, nơi cô gái trẻ được trực tiếp làm việc còn như đại gia đình cùng gặp mặt, tụ hội tại Việt Nam, vì một khoảnh khắc thật đẹp cho kỳ SEA Games 31.

“8 ngày làm việc, 5 ngày diễn ra các trận thi đấu cùng những hoạt động mình được tham gia cùng “Sếp”… tất cả sẽ là kỷ niệm đáng nhớ mình mang theo trong suốt cuộc đời này. Ở đó mình được học hỏi rất nhiều điều, đặc biệt từ “Sếp”. Mình là người dễ hoảng loạn và mất bình tĩnh khi có một vấn đề gì đó xảy ra. Mình đã rất stress trong 2 ngày đầu tiên chuẩn bị cho giải đấu.

Tuy nhiên, “Sếp” đã dạy mình cách phải bình tĩnh để giải quyết vấn đề, không được hoảng loạn hay nóng vội. Mình cũng thêm yêu thể thao và môn điền kinh nói riêng. Quan trọng hơn mình thấy rất tự hào khi là một tình nguyện viên và trở thành một mảnh ghép rất nhỏ ở SEA Games 31”, Linh chia sẻ.

Nguyễn Dũng
Phiên bản di động