Chúng ta nhất định phải minh bạch, công khai hóa hơn nữa

Chúng ta nhất định phải minh bạch, công khai hóa hơn nữa, đồng thời có các công cụ ứng dụng công nghệ thông tin để người dân tương tác với chính quyền hiệu quả hơn, bảo đảm thực diện dân chủ cơ sở, tạo đồng thuận. 

Sách giáo khoa sẽ được lựa chọn công khai, minh bạch? Cử tri đề nghị công khai, minh bạch đầu tư các dự án BOT Quận Long Biên minh bạch hay ''ỉm'' hồ sơ tham gia đấu giá dự án?
Chúng ta nhất định phải minh bạch, công khai hóa hơn nữa
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam

Chiều 14/11, tại Thanh Hóa, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ cơ sở (Ban Chỉ đạo) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả kiểm tra và trao đổi kinh nghiệm tại cụm các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Các tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) có tổng diện tích 51.513 km2, dân số xấp xỉ 11 triệu người. Những năm gần đây, khu vực này có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế. Năm 2018, có 2 tỉnh thuộc tốp đầu tăng trưởng GDRP cả nước (Hà Tĩnh 20,8%, Thanh Hoá 15,6%). Các tỉnh Bắc Trung Bộ có 51,9% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tính đến tháng 6/2019), đứng thứ ba cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, bão lũ, ô nhiễm môi trường, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn thấp, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, có nguy cơ gây mất an ninh trật tự…

Từ năm 2016 đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội 6 tỉnh trong cụm đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quy chế dân chủ cơ sở gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Chính quyền các cấp tiếp tục triển khai năm “Dân vận chính quyền”, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối, thái độ làm việc của cán bộ công chức; tăng cường đối thoại, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Một số tỉnh có cách làm sáng tạo, linh hoạt như năm 2019, tỉnh Nghệ An đã tổ chức tiếp xúc đối thoại giữa Thường vụ Tỉnh ủy với 1.034 bí thư, chủ tịch các xã, phường, thị trấn; hơn 800 cán bộ lãnh đạo cấp phòng. Tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức 750 cuộc tiếp xúc các cấp từ năm 2016 đến nay. Hà Tĩnh tổ chức mô hình tiếp dân gồm lãnh đạo cấp ủy, UBND, HĐND tỉnh trong 1 ngày.

Công tác kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trở thành thường xuyên và nền nếp, qua đó phát hiện nhiều mô hình, điển hình tốt cũng như những cơ sở, đơn vị còn yếu kém. Hằng năm, các tỉnh đều thành lập nhiều đoàn kiểm tra cấp tỉnh, huyện để làm việc trực tiếp tại các cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã và cả doanh nghiệp. Đơn cử, tại Nghệ An hằng năm xây dựng khoảng 70-80 điểm sáng về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở cấp tỉnh, 15-20 mô hình cấp huyện. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc một số tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc giám sát, phản biện chuyên đề tập trung vào các vấn đề mà nhân dân quan tâm, bức xúc. Đơn cử, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa tổ chức 44 cuộc giám sát cấp tỉnh, trên 2.500 cuộc giám sát cấp huyện, xã; tại Hà Tĩnh có 468 cuộc giám sát chuyên đề, 820 cuộc phản biện chính sách, pháp luật…

Công tác thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn đạt được nhiều kết quả nổi bật, phát huy hiệu quả tích cực trên nhiều mặt, góp phần tạo đồng thuận trong nhân dân. Đáng chú ý, những nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng cơ bản, quy hoạch đất đai, các khoản đóng góp của nhân dân dân, chính sách an sinh xã hội… được công khai dưới nhiều hình thức. Người dân được tham gia đóng góp ý kiến. Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tiếp tục được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động. Chính quyền xã, phường, thị trấn đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, dịch vụ công trực tuyến…

Chúng ta nhất định phải minh bạch, công khai hóa hơn nữa
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam

Một số đại biểu cũng nêu thực tế việc công khai một số chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của nhân dân còn chiếu lệ, người dân chưa được tham gia ý kiến đầy đủ. Huy động nguồn lực nhân dân trong xây dựng nông thôn mới có nơi còn sai phạm khi thu các loại quỹ chưa đúng quy định, đối tượng, không công khai đầy đủ việc quản lý, thu, chi… Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang bổ sung bất cập trong công khai các quy hoạch có rất nhiều chi tiết kỹ thuật nên người dân không hiểu hết nếu không được giải thích rõ ràng, hay ý kiến của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng không có trong quy trình thanh, quyết toán các công trình xây dựng.

Theo các đại biểu, trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, trách nhiệm, vai trò nêu gương của người đứng đầu đối với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở được đặt lên hàng đầu. Ý thức làm chủ, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả “Năm Dân vận chính quyền”. Tuy vậy, lãnh đạo một số tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận người đứng đầu một số địa phương, đơn vị chưa thực sự gương mẫu trong nói và làm, thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.

Trong khu vực doanh nghiệp, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo nhận thấy những đơn vị thực hiện tốt công tác đối thoại với người lao động, phát huy vai trò công đoàn cơ sở đã ghi nhận hiệu quả tích cực trong sản xuất, kinh doanh; ổn định đời sống, việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước còn rất khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ phần lớn không có quy chế, hoạt động tuỳ tiện.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt trong hệ thống chính quyền, về công tác dân vận, dân chủ cơ sở ngày càng rõ hơn. Các quy định pháp luật ngày càng hoàn thiện, đồng thời nhận thức của người dân về quyền làm chủ ngày càng tốt hơn, nhất là trong tham gia xây dựng chính sách. Từ đó, tạo lực đẩy cho hệ thống bộ máy nhà nước hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, có được sự đồng thuận của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh tăng cường thực thi pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp

chính quyền, Phó Thủ tướng cho rằng cần lưu ý đến ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật, quy chế dân chủ cơ sở của người dân. Ví dụ như trong các đơn vị sự nghiệp như trường học, cơ sở y tế, phải làm sao để người dân không chỉ giám sát mà còn chủ động tham gia vào quá trình vận hành của những thiết chế phục vụ trực tiếp người dân bằng “chìa khoá” minh bạch hóa, còn chính quyền bớt can thiệp hành chính. “Ở nhiều trường hợp dù sửa mái nhà bị dột, thay viên gạch hỏng cũng chờ cấp trên duyệt, cấp ngân sách trong khi chưa mở ra cho người dân tham gia tự nguyện, trên nền tảng công khai, minh bạch”.

Chúng ta nhất định phải minh bạch, công khai hóa hơn nữa
Ảnh: VGP/Đình Nam

“Chúng ta nhất định phải minh bạch, công khai hóa hơn nữa, đồng thời có các công cụ ứng dụng công nghệ thông tin để người dân tương tác với chính quyền hiệu quả hơn, bảo đảm thực diện dân chủ cơ sở, tạo đồng thuận. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đại chúng, cung cấp những thông tin chính thống nhanh chóng, kịp thời”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và mong muốn từ những đặc thù riêng của mình, mỗi tỉnh Bắc Trung Bộ chọn ra một số việc chỉ đạo trọng tâm để khi tổng kết có những điểm sáng riêng có.

Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công tác dân vận chính quyền, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở thời gian qua chuyển biến ngày càng tốt hơn từ công khai minh bạch, đạo đức công vụ đến cải cách hành chính… Nhiều vấn đề đã được bổ sung vào thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về dân chủ cơ sở đã được thể chế hóa trong nhiều luật, quy định việc người dân được tham gia vào quá trình quyết định chính sách, từ thảo luận, tranh luận đến quyết định. Đây là yêu cầu rất lớn đối với các cơ quan nhà nước.

“Thực thi đầy đủ pháp luật cũng là quá trình bảo đảm quyền làm chủ của người dân. Nhận thức và trách nhiệm trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở có chuyển biến nhưng chúng ta cần phải làm tốt hơn. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin giúp chính quyền tiếp xúc với người dân tốt hơn, từng người dân có thể phản ánh trực tiếp tâm tư, nguyện vọng của mình”, đồng chí Trương Thị Mai nêu rõ.

Thời gian tới, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng cần tiếp tục quan tâm đến mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, bổ sung, phát triển quan điểm, nhận thức mới về vấn đề này.

“Yêu cầu dân chủ là tất yếu để tạo đồng thuận trong người dân. Muốn vậy phải công khai, minh bạch, đối thoại, tiếp thu ý kiến từ người dân. Tinh thần này phải được quán triệt trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, bảo đảm tính bền vững trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở chứ không chạy theo phong trào, thành tích nhất thời”, đồng chí Trương Thị Mai nói.

Nguồn: Báo Chính phủ
Phiên bản di động