Chứng khoán diễn biến bất thường: Thứ trưởng Bộ Tài chính nói gì?

Thị trường chứng khoán có những điều chỉnh như thời gian vừa qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả từ tình hình quốc tế và tình hình trong nước.
Liên tục vi phạm chứng khoán, chủ chuỗi Gogi House, Vuvuzela có nhờn luật? Chứng khoán VNDIRECT bác bỏ những tin đồn khiến cổ phiếu bị bán tháo Một cá nhân bị phạt nặng do thao túng cổ phiếu Tập đoàn Thành Nam

Thị trường chứng khoán gần đây có nhiều diễn biến bất thường, giá trị vốn hóa bị bốc hơi trong khi nền kinh tế vĩ mô ổn định, GDP tăng trưởng mạnh khiến dư luận đặt ra nhiều vấn đề.

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thực tế diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam vừa qua có hiện tượng điều chỉnh giảm và có những phiên giảm sâu. Tất nhiên cũng có những phiên tăng điểm. Hiện nay đang dao động ở mức 1.000 điểm VN-Index.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, thị trường chứng khoán có những điều chỉnh như thời gian vừa qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả từ tình hình quốc tế và tình hình trong nước.

Trước hết về tình hình quốc tế, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, kinh tế ở những khu vực lớn như Mỹ, EU và các khu vực thay đổi rất mạnh mẽ sau khi kiểm soát được đại dịch COVID-19. Lạm phát ở những nền kinh tế này ở mức rất cao.

Từ đó, các chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khóa của những nền kinh tế này có sự thay đổi rất mạnh mẽ và tác động đến kinh tế của các khu vực này.

Chứng khoán diễn biến bất thường: Thứ trưởng Bộ Tài chính nói gì?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Tăng trưởng ở mức có thể nói rất thấp và các tổ chức tài chính quốc tế dự báo các mức tăng trưởng đều hạ dự báo tăng trưởng của các thành phần kinh tế này năm 2022 so với những dự kiến từ nhiều năm.

"Đây cũng là một nguyên nhân tác động đến thị trường chứng khoán của chúng ta", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Về tình hình chính trị quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, cuộc xung đột Nga - Ukraina vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể nói cho đến thời điểm này, không ai có thể dự báo lạc quan được về thời điểm kết thúc cuộc xung đột này.

Đây là cuộc xung đột khu vực nhưng nó ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới, đặc biệt là ảnh hưởng đến cung năng lượng và xăng dầu - một mặt hàng chiến lược cho bất kỳ nền kinh tế nào, trong đó có Việt Nam. Cái này tác động từ sản xuất đến kinh doanh và đến giá cả, đến lạm phát… và cũng tác động đến thị trường chứng khoán của chúng ta.

Một điểm nữa về tình hình thế giới là thị trường chứng khoán khu vực và thế giới cũng có sự biến động rất mạnh. Trong đó, Mỹ, Châu Âu, thị trường Nhật Bản và thị trường khu vực cũng có những điều chỉnh rất mạnh, giảm rất sâu, cũng tác động và liên thông đến thị trường chứng khoán của chúng ta.

Đối với trong nước, các điều chỉnh trong chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ cũng tác động đến thị trường chứng khoán - từ việc tăng lãi suất hay quản lý chặt chẽ hạn mức tín dụng ảnh hưởng đến dòng tiền và dòng tiền vào chứng khoán giảm đi qua thời gian từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, tiền lại được hướng đến các tổ chức tín dụng thông qua ngân hàng với lãi suất điều chỉnh tăng cũng như tiền được đưa vào sản xuất kinh doanh sau khi chúng ta hồi phục kinh tế, hồi phục chuỗi cung ứng. Sau đại dịch COVID-19, dòng tiền vào thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng giảm bớt.

"Đấy là những nguyên nhân trong và ngoài dẫn đến thị trường chứng khoán có những điều chỉnh.

Về giải pháp, lãnh đạo Bộ Tài chính nêu rõ, trước mắt, cần tiếp tục giữ cho thị trường chứng khoán vận hành ổn định và an toàn, đảm bảo trong mọi tình huống.

Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ tăng cường minh bạch thị trường thông qua việc yêu cầu các công ty tham gia thị trường thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công bố thông tin, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không trình bày nhiều, vi phạm là xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tập trung nguồn lực, tổ chức nhiều đoàn thanh tra giám sát thị trường chứng khoán, giám sát các công ty niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư trong giao dịch để kịp thời phát hiện các vi phạm trên thị trường, từ công bố thông tin, giao dịch, tất cả các quy định.

"Tinh thần là tất cả các vi phạm đều bị xử lý ngay và công bố, công khai luôn. Phải kiên quyết như vậy thì chúng ta mới đảm bảo được tính minh bạch của thị trường", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng sẽ tăng cường thông tin chính thống ra thị trường một cách chính xác và kịp thời tất cả những giải pháp, những chính sách, quy định pháp luật. Tất cả những gì chính thống của cơ quan quản lý nhà nước sẽ được đưa ra thị trường một cách chính xác và kịp thời để đảm bảo thông tin xấu độc không gây ảnh hưởng tới thị trường.

Đặc biệt là việc giám sát được các tin đồn thất thiệt vì thị trường chứng khoán của chúng ta nhạy cảm. Đối với tin đồn thất thiệt rồi tung tin để trục lợi, tất cả trường hợp ấy, Bộ Tài chính kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền phối hợp xử lý nghiêm.

Hậu Lộc
Phiên bản di động