Chủ dự án Rose Town Ngọc Hồi 'cắm' ngân hàng kinh doanh thế nào

Chủ đầu tư dự án Rose Town Ngọc Hồi là Công ty Cổ phần sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu ít có tiếng tăm trong giới bất động sản. Trong khi đó, Xuân Mai Corp là doanh nghiệp có tiếng nhưng kinh doanh cũng èo uột.
Dự án Rose Town Ngọc Hồi đã mang 'cắm' ngân hàng

Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, Văn phòng Đăng ký Đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) vừa thông báo bổ sung danh sách chủ đầu tư đã thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai đó là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp) và Công ty Cổ phần sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu.

Theo đó, một phần Dự án Khu văn phòng giao dịch, nhà ở, chung cư cao tầng, khu căn hộ khách sạn lưu trú, khu biệt và nhà vườn để bán và cho thuê - Rose Town (dự án Rose Town Ngọc Hồi) tại địa chỉ Km9, đường Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đã được thế chấp Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tây.

chu du an rose town ngoc hoi cam ngan hang kinh doanh the nao
Phối cảnh dự án Rose Town Ngọc Hồi.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Rose Town Ngọc Hồi có tổng diện tích 4,124 ha; diện tích xây dựng 11.204 m2; quy mô xây dựng gồm 5 tòa tháp chung cư và 1 tòa văn phòng dịch vụ hỗn hợp cung cấp cho thị trường gần 1.600 căn hộ thuộc phân khúc trung cấp với diện tích đa dạng từ 2 đến 3 phòng ngủ.

Dự án đã được khởi công xây dựng từ quý 4/2017 và dự kiến bàn giao vào năm 2020; đơn vị thiết kế là Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế Xuân Mai – XMT; đơn vị thi công và tư vấn giám sát là Xuân Mai Corp. Mức giá chào bán dự kiến của dự án này sẽ dao động trung bình từ 19 – 21 triệu đồng/m2 (giá bán đã bao gồm VAT và nội thất hoàn thiện cơ bản).

chu du an rose town ngoc hoi cam ngan hang kinh doanh the nao
Xuân Mai Corp là doanh nghiệp có tiếng nhưng kinh doanh cũng èo uột.

Hai chủ đầu tư của dự án là Công ty Cổ phần sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu (ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn chuyên doanh), ít có tiếng tăm trong giới bất động sản. Trong khi đó, Xuân Mai Corp là doanh nghiệp có tiếng nhưng kinh doanh cũng èo uột.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2019 vừa công bố, sau 9 tháng đầu năm 2019, Xuân Mai Corp ghi nhận 13 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 7 tỷ đồng so với cùng năm ngoái. Tại ngày 30/9/2019, Xuân Mai Corp có tổng tài sản gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 3.421 tỷ đồng, còn lại là tài sản dài hạn. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 680 tỷ đồng, giảm 3,8% so với số đầu năm.

Đáng chú ý, trong số gần 5.000 tỷ đồng tài sản Xuân Mai Corp đang nắm giữ có 4.274 tỷ đồng là nợ phải trả, tăng 16,4% so với đầu năm 2019. Tại thời điểm đầu năm, doanh nghiệp này nợ 3.670 tỷ đồng nhưng đến ngày 30/9/2019, con số này đã tăng lên 4.274 tỷ đồng.

Việc chủ đầu tư các dự án bất động sản mang dự án đi thế chấp ngân hàng không phải là chuyện hiếm, bởi nhiều năm nay Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội cũng đã thông báo nhiều chủ đầu tư thế chấp dự án trong đó cũng có những doanh nghiệp lớn bởi việc làm này là bình thường để chủ đầu tư có nguồn tài chính thực hiện dự án như một hình thức huy động vốn.

Tuy nhiên, nói như vậy không phải là không có rủi ro cho khách hàng trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều dự án xảy ra sai phạm phát sinh vấn đề pháp lý căn hộ của dự án khiến quyền lợi của khách hàng bị ảnh hưởng.

Theo Luật sư Mai Bích Ngân - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trong trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu bán, theo Điều 147 Luật Nhà ở 2014 quy định, phải giải chấp dự án nhà ở này (hoặc là giải chấp căn hộ cần giao dịch) trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán với khách hàng, trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý.

"Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản đã quy định, chủ đầu tư dự án trước khi bán nhà hình thành trong tương lai, phải nộp hồ sơ tại Sở Xây dựng địa phương để xác nhận đáp ứng đủ điều kiện huy động vốn. Trước khi bán căn hộ, chủ đầu tư cũng phải làm thủ tục giải chấp căn hộ đó tại ngân hàng và phải có ngân hàng bảo lãnh'', vị Luật sư cho biết.

Vì vậy, để tránh rủi ro, bản thân các chủ thể khi thực hiện giao dịch này gồm chủ đầu tư, ngân hàng và khách mua đều phải tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục thực hiện. Giao dịch bán tài sản đang thế chấp phải có sự tham gia của phía ngân hàng và ngân hàng sẽ trực tiếp nhận tiền từ người mua.

Theo Luật sư Ngân, Luật Nhà ở năm 2014 cho phép chủ đầu tư dự án mang dự án thế chấp ngân hàng có điểm tích cực là giúp chủ đầu tư kêu gọi thêm nguồn vốn để phục vụ việc xây dựng công trình. Tuy nhiên, việc này cũng có mặt trái là việc chủ đầu tư không công bố tình trạng thế chấp của dự án cho khách mua khi kêu gọi vốn, dẫn đến tình trạng dự án đã thế chấp nhưng vẫn bán, người mua dù ở đến gần chục năm vẫn không làm được giấy chứng nhận, thậm chí còn bị ngân hàng mời ra khỏi tòa nhà để kê biên phát mại nếu xảy ra tranh chấp.

Văn Huy
Phiên bản di động