Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Chủ động, sáng tạo, nắm bắt cơ hội trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đem lại cho đội ngũ nghiên cứu viên trẻ của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít những thách thức. Vì vậy, đội ngũ nghiên cứu viên trẻ của viện đã chủ động, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao chất lượng, năng lực sáng tạo của cán bộ viên chức trong bối cảnh mới hiện nay.
Tiến sĩ Đàm Bạch Dương với nỗ lực thúc đẩy tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 "Đi tắt đón đầu" để khởi nghiệp thời đại 4.0 Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được gửi gắm qua nghệ thuật Sân khấu Cải lương

Tận dụng hiệu quả các cơ hội

Thế giới và Việt Nam đang chứng kiến những sự thay đổi vượt bậc trong thời đại công nghệ số của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tầm ảnh hưởng sâu rộng của khoa học công nghệ đến đời sống con người. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó, một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025: “Duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; Năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm...”.

Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học, công nghệ đối với cuộc sống, hiện nay thành phố Hà Nội đang triển khai “Mạng lưới sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, xây dựng Chương trình 07 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025” và Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đến thăm dự án VKIST tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Ảnh: Hoàng Nam)
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đến thăm dự án VKIST tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Ảnh: Hoàng Nam)

Thành phố cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, các doanh nghiệp trên địa bàn; Tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% trong nền kinh tế, cao hơn mục tiêu chung của cả nước (20%).

Trong bối cảnh đó đặt ra những thời cơ, thách thức nguồn lực sáng tạo của đội ngũ trí thức thành phố nói chung, đội ngũ nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nói riêng.

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội là một trong những đơn vị có đội ngũ nghiên cứu viên được đào tạo cơ bản, chính quy, hiện vẫn đang tiếp tục tham gia các khóa học nâng cao trình độ, bao gồm: 12 tiến sĩ; 2 nghiên cứu sinh và 25 thạc sĩ. Tổng số nghiên cứu viên có trình độ trên đại học là 67,3%. So với đội ngũ cán bộ của các đơn vị sở, ban, ngành khác của thành phố thì viện là nơi có tỷ lệ viên chức trình độ trên đại học đạt cao nhất.

Những năm qua, đội ngũ viên chức, người lao động của viện đã và đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo thành phố; Tư vấn, cung cấp luận cứ khoa học để các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội vững chắc cho Thủ đô và đất nước.

Dây chuyền sản xuất của nhà máy Vsmart, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội
Dây chuyền sản xuất của nhà máy Vsmart, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội

Đội ngũ nghiên cứu viên của viện đã có đóng góp trong quá trình xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách mới của thành phố; Góp ý, phản biện hoàn chỉnh nhiều bộ luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã đóng góp chung vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Cùng với đó, thời gian qua, viện luôn xây dựng và giữ mối quan hệ tốt với đội ngũ các chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm, uy tín cũng như các Sở, ngành, quận, huyện của thành phố và hệ thống các viện nghiên cứu phát triển của một số thành phố lớn trong nước.

Đứng trước những cơ hội mới, các nghiên cứu viên của viện được tiếp cận đa chiều với kho dữ liệu khổng lồ trên thế giới và Việt Nam, được linh hoạt, chủ động thể hiện sự sáng tạo với những phương pháp làm việc mới ở mọi nơi, mọi lúc. Không những thế, đội ngũ nghiên cứu viên còn được phát triển, hỗ trợ công tác chuyên môn bởi các công nghệ hiện đại, mang lại hiệu suất công việc cao và tiết kiệm thời gian… Đây là cơ hội để mở rộng sự hiểu biết cũng như quan hệ trong và ngoài nước, giúp các nghiên cứu viên có nhiều trải nghiệm để hoàn thiện bản thân, trở thành “những nghiên cứu viên toàn cầu” năng động, sáng tạo và tràn đầy nhiệt huyết.

Tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ nghiên cứu viên

Mặc dù có nhiều cơ hội tốt để tận dụng, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức đối với đội ngũ nghiên cứu viên trẻ cần có sự am hiểu thành thạo về công nghệ thông tin, an ninh mạng và ngoại ngữ. Nếu không thường xuyên cập nhật thông tin, dữ liệu thì sẽ gặp khó khăn trong sàng lọc và sử dụng nguồn tài liệu chính thống, dễ bị hòa nhập hoặc bị lôi kéo theo các trào lưu trên mạng xã hội...

Để thực hiện mục tiêu phát triển giai đoạn tới, mỗi nghiên cứu viên trẻ cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập, nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học; Xây dựng kỹ năng, phương pháp nghiên cứu hiện đại, thành thục; Nâng cao vốn lý luận, thế giới quan, phương pháp luận sâu sắc, toàn diện; Hiểu biết chính trị và kiến thức tổng hợp đầy đủ; Kinh nghiệm sâu rộng... phục vụ công tác chuyên môn nghiên cứu.

Mỗi nghiên cứu viên cần xác định cho mình những lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu để thường xuyên tích lũy, cập nhật kho dữ liệu của mình. Các nghiên cứu viên trẻ cần phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phong cách tư duy, phong cách ứng xử, làm việc khoa học, khách quan, quần chúng theo tấm gương sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu viên trẻ cần mạnh dạn đề xuất các ý tưởng, sáng kiến trong nghiên cứu đồng thời đề xuất được giao làm chủ nhiệm hoặc tham gia các công trình lớn, tạo thương hiệu và uy tín cho bản thân.

cầu Nhật Tân (Hà Nội)
cầu Nhật Tân (Hà Nội)

Đặc biệt, mỗi nghiên cứu viên cần xây dựng bản lĩnh chính trị và hiểu biết pháp luật nhất định trên môi trường mạng, tạo dựng nền tảng tri thức chính trị - xã hội đúng đắn, khoa học, cách mạng; Đủ trình độ, khả năng nhận diện, phản biện, đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động trên mạng xã hội...

Có thể thấy, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra đã đem lại cho đội ngũ nghiên cứu viên trẻ của Viện nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Vì vậy, đội ngũ nghiên cứu viên trẻ của Viện cần phải chủ động, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao chất lượng, năng lực sáng tạo của cán bộ viên chức trong bối cảnh mới hiện nay.

Cùng với đó, đội ngũ nghiên cứu viên cần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực mới để xây dựng một tập thể Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng phát triển lớn mạnh, nhiều chuyên gia đầu ngành, có uy tín, thương hiệu và phát triển ngang tầm với các viện nghiên cứu ở Trung ương cũng như trong khu vực; Đóng góp tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

TS Nguyễn Văn Hoạt - TS Đỗ Thị Liên Vân
Phiên bản di động