Chính phủ yêu cầu làm rõ phương án huy động vốn mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải làm rõ cơ cấu nguồn vốn, phương án huy động vốn và lộ trình đầu tư cho từng danh mục công trình cụ thể tại dự án mở rộng, nâng cấp đồng bộ các hạng mục công trình tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
chinh phu yeu cau lam ro phuong an huy dong von mo rong san bay tan son nhat

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 1856/VPCP-CN gửi các Bộ ngành, địa phương liên quan, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về phương án huy động vốn và lộ trình đầu tư Dự án mở rộng, nâng cấp đồng bộ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khẩn trương hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án mở rộng, nâng cấp đồng bộ các hạng mục công trình tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ cơ cấu nguồn vốn, phương án huy động vốn và lộ trình đầu tư cho từng danh mục công trình cụ thể. Trường hợp giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam là Nhà đầu tư Dự án, cần làm rõ căn cứ pháp lý để thực hiện theo đúng quy định nhằm bảo đảm hoàn thành, đưa các công trình vào sử dụng đồng bộ trong năm 2020.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trước đó, vào tháng 3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định chủ trương mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo đề xuất của Công ty Tư vấn ADP-I (Pháp). Theo phương án được người đứng đầu Chính phủ quyết định, diện tích đất phía Bắc của sân bay, trong đó có sân golf và 16 ha đất do Bộ Quốc phòng quản lý, sẽ được sử dụng để xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistic và chế biến suất ăn từ năm 2025 trở đi.

Trong khi đó, một nhà ga hành khách sẽ được xây dựng thêm ở phía nam (tức phía nhà ga hiện hữu) với diện tích sàn 200.000 m2. Nhà ga có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm, tổng vốn khái toán khoảng 18.000 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 31/8/2018, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đã ký ban hành Quyết định số 1942/QĐ-BGTVT ngày 31/8/2018 về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo quyết định được Bộ Giao thông phê duyệt, tổng diện tích đất được quy hoạch điều chỉnh là 791ha (không bao gồm diện tích đất quốc phòng trực tiếp quản lý). Sau khi hoàn thành việc cải tạo, Tân Sơn Nhất sẽ đạt cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp 1, sản lượng vận chuyển hành khách đạt 50 triệu hành khách/năm, sản lượng vận chuyển hàng hóa khoảng 0,8 - 1 triệu tấn hàng hóa/năm.

Quy hoạch khu bay gồm: xây dựng hệ thống đường cất hạ cánh, hệ thống đường lăn. Trong đó hệ thống sân đỗ tàu bay theo quy hoạch bổ sung sân đỗ máy bay trước nhà ga hành khách T3 và sân đỗ phía Tây Nam đáp ứng 56 vị trí, nâng tổng số vị trí đỗ lên 106 vị trí đỗ. Quy hoạch sân đỗ máy bay trước hangar, nhà ga hàng hóa, khu dịch vụ hàng không, khu vực hàng không khu vực phía Bắc đáp ứng nhu cầu khai thác.

Xây dựng cải tạo nhà ga hành khách sử dụng hệ thống nhà ga hành khách T1, T2 hiện hữu, cải tạo mở rộng nâng công suất đạt khoảng 30 triệu hành khách/năm. Bổ sung nhà ga hành khách T3 ở phía Nam với công suất đáp ứng đến 20 triệu hành khách/năm để nâng tổng công suất của Tân Sơn Nhất đạt 50 triệu hành khách/năm.

Về hệ thống giao thông, ngoài hệ thống đường trục vào cảng vẫn sử dụng đường Trường Sơn hiện hữu, sẽ quy hoạch tuyến đường trục nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa (qua đường Phan Thúc Duyện, đường 18E, đường C2 và đường C12) với quy mô 4-6 làn xe. Mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và đường Thân Nhân Trung với quy mô 4 làn xe, mở rộng đường 18E với quy mô 4-6 làn xe. Nghiên cứu quy hoạch bổ sung cầu vượt trên cao đoạn từ đường Phan Thúc Duyện qua đường Trần Quốc Hoàn. Thăng Long đến khu vực sân bóng Chảo Lửa để kết nối giao thông từ khu vực trung tâm TP HCM đến nhà ga T3.

Nghiên cứu quy hoạch bổ sung tuyến đường trên cao từ cuối sảnh nhà ga quốc tế T2 qua nhà ga quốc nội T1 đi theo đường Thăng Long tới đường Phan Thúc Duyện một nhánh xuống đường Phan Thúc Duyện, một nhánh xuống đường Nguyễn Văn Trỗi và một nhánh đi qua công viện Hoàng Văn Thụ. Nghiên cứu quy hoạch bổ sung nút giao khác mức giữa tuyến đường trục nối Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa với đường Cộng Hòa, Trường Chinh.

Song song đó, để kết nối giao thông hàng loạt tuyến đường cũng được quy hoạch gồm đường nội bộ ở phía Nam, hệ thống sân đỗ ô tô, đường công vụ… các công trình phụ trợ cảng hàng không và các công trình hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước, hồ điều hòa, trạm xử lý nước thải. Tổng diện tích đất theo quy hoạch điều chỉnh là 791 ha (không bao gồm diện tích đất quốc phòng trực tiếp quản lý). Trong đó diện tích đất cảng hàng không hiện hữu là 545,10 ha, đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ 19,79 ha, đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng 18.80ha, đất quy hoạch bổ sung phía Nam 35.66ha, đất quy hoạch phía Bắc 171,65 ha.

Hậu Lộc
Phiên bản di động