Chính phủ Hàn Quốc cân nhắc mở lại tour du lịch tới Triều Tiên

Hàn Quốc đang xem xét việc nối lại tour du lịch tới núi Kumgang và thành phố Kaesong ở Triều Tiên trong bối cảnh hội đàm cấp chuyên viên Mỹ-Triều có khả năng sớm diễn ra vào giữa tháng 7 này.
Tổng thống Hàn Quốc ca ngợi cuộc gặp Trump-Kim tại DMZ giúp chấm dứt mọi thù địch Tổng thống Hàn Quốc: Hy vọng được thắp lên cho Bán đảo Triều Tiên
chinh phu han quoc can nhac mo lai tour du lich toi trieu tien
Khách du lịch tham quan núi Kumgang, Triều Tiên. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét việc nối lại tour du lịch tới núi Kumgang và thành phố Kaesong ở Triều Tiên trong bối cảnh hội đàm cấp chuyên viên Mỹ-Triều có khả năng sớm diễn ra vào khoảng giữa tháng này.

Quyết định sẽ tùy vào tình hình tiến triển của đàm phán Mỹ-Triều.

Trên đường từ Hàn Quốc về nước ngày 30/6, Đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách Triều Tiên Stephen Biegun cho biết trong quá trình đàm phán, nếu Triều Tiên đóng băng chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, Mỹ sẽ nhượng bộ bằng cách cải thiện quan hệ ngoại giao song phương và hỗ trợ nhân đạo.

Chính phủ Hàn Quốc khẳng định sẽ nỗ lực để hội đàm cấp chuyên viên Mỹ-Triều có thể diễn ra sớm nhất, trước khi cải thiện mối quan hệ liên Triều.

Du lịch núi Kumgang và du lịch đến thành phố Kaesong được chính thức bắt đầu triển khai lần lượt vào năm 1998 và năm 2007.

Hàn Quốc đã đóng cửa khu công nghiệp Kaesong vào năm 2016 để trả đũa các hành động khiêu khích hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Trong khi đó, các tour du lịch trên núi Kumgang đã bị dừng lại vào năm 2008 sau khi một du khách Hàn Quốc bị một lính gác Triều Tiên bắn chết.

Tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 9/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhất trí khởi động lại 2 dự án khi hội tụ đủ các điều kiện phù hợp.

Đầu năm nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng nói rằng ông sẵn sàng khởi động lại các dự án đó mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.

Seoul hy vọng các hoạt động trao đổi xuyên biên giới tích cực giữa hai bên sẽ giúp thúc đẩy quan hệ liên Triều, cũng như tạo điều kiện cho các nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Tuy nhiên, Washington phản đối do lo ngại có thể làm suy yếu các lệnh trừng phạt kinh tế với Bình Nhưỡng trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa chưa đạt tiến bộ.

Theo Vietnamplus
Phiên bản di động