Chiến dịch “tung hỏa mù” của Liên Xô khiến Mỹ thấp thỏm

Trong cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô vào thập niên 1960, hai siêu cường đã dùng mọi cách để khiến đối phương “đứng ngồi không yên”, kể cả “tung hỏa mù”. Trong một bài viết mới đây, trang mạng Russia Beyond khẳng định thời điểm đó rất ít người biết rằng Liên Xô, chứ không chỉ riêng Mỹ, cũng là một chuyên gia” về vấn đề này.

“Sức mạnh không giới hạn”

Trong một cuộc duyệt binh vào năm 1965 tại Quảng trường Đỏ, các tên lửa khổng lồ mang đầu đạn hạt nhân được di chuyển từ từ ngang qua khu vực khán đài đầy khán giả, trong đó có nhiều đại sứ nước ngoài. Theo trang mạng Russia Beyond, chỉ riêng kích cỡ của các tên lửa này cũng đủ khiến bất kỳ người dân Liên Xô nào sợ hãi. “Vì vậy, có thể chắc chắn rằng các khán giả nước ngoài có mặt khi đó cũng chung một cảm giác, nếu không nói là tồi tệ hơn”, Russia Beyond khẳng định.

Sau đó, trên sóng phát thanh, các phát thanh viên Liên Xô đọc lời bình theo kịch bản được chuẩn bị trước: “Kết thúc cuộc duyệt binh thể hiện sức mạnh quân sự to lớn là sự xuất hiện của các tên lửa phòng thủ khổng lồ. Sức mạnh của các tên lửa này là không giới hạn”.

Russia Beyond cho rằng đây chắc chắn là một thắng lợi về công nghệ quân sự của Liên Xô trước Mỹ, “ít nhất là về cách thể hiện”. Ngay khi được trình làng tại Quảng trường Đỏ, các tên lửa đạn đạo có tầm bắn không giới hạn-“một sự răn đe hạt nhân từ không gian”, nhanh chóng “chiếm sóng” truyền thông quốc tế. “Mọi người hầu như không biết rằng không hề có loại vũ khí nào như vậy trên Quảng trường Đỏ vào hôm đó. Tất cả chỉ là đồ giả”, Russia Beyond nêu rõ.

Chiến dịch “tung hỏa mù” của Liên Xô khiến Mỹ thấp thỏm
Một cuộc duyệt binh của Liên Xô tại Quảng trường Đỏ vào năm 1965 (Ảnh: Getty Images)

Vì sao Liên Xô “tung hỏa mù”?

Theo Russia Beyond, câu hỏi này đã được giải đáp sau khi Liên Xô tan rã. Trong một hồi ký của mình, ông Vladimir Semichastny, cựu Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) cho rằng, trong thập niên 1960, các tên lửa luôn thu hút sự quan tâm lớn. “Mỗi lần đề cập đến một tên lửa nào đó-dù chỉ là bề ngoài của nó, cũng khiến người ta phải dán mắt vào, nín thở. Thường cứ khoảng một, hai hoặc ba lần một năm, chúng tôi lại chính thức tuyên bố đã làm chủ công nghệ tên lửa mới nào đó. Sau những tuyên bố đó, chúng tôi sẽ trình làng chúng trong các cuộc duyệt binh tại Quảng trường Đỏ. Chỉ có một số rất ít người biết được rằng nhiều trong số các tên lửa mới này chỉ là đồ giả”, ông Vladimir Semichastny viết trong hồi ký.

Cựu Chủ tịch KGB cho rằng, các cơ quan tình báo phương Tây không thể dễ dàng đánh giá được tiềm lực quân sự của Liên Xô vào thời điểm đó vì đây là thông tin tuyệt mật. Tất cả vũ khí lợi hại nhất đều được cất giữ trong các nhà chứa nằm sâu dưới lòng đất và không một vệ tinh do thám nào có thể quan sát kỹ được. Không ai biết được Liên Xô sở hữu loại vũ khí nào, với số lượng bao nhiêu. Cách duy nhất để tiếp cận gần các loại vũ khí của Liên Xô là thông qua các cuộc duyệt binh nhân Ngày Quốc tế Lao động hay kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga hằng năm. “Liên Xô đã chọn “lấy vải thưa che mắt thánh” vì biết được rằng tình báo phương Tây không thể nào xác minh được những gì đang thực sự diễn ra”, ông Semichastny nhấn mạnh.

Chiến dịch quy mô lớn

Russia Beyond cho biết, chiến dịch “tung hỏa mù” quy mô lớn của Liên Xô, do nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev khởi xướng, đã được lên kịch bản đến từng chi tiết. Một phần của chiến dịch này là bài phát biểu hùng hồn của ông Khrushchev tại Điện Kremlin vào năm 1962, trong đó tuyên bố về cái gọi là “tên lửa toàn cầu” GR-1 có khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên Trái Đất. “Sở hữu một tên lửa toàn cầu khiến mọi biện pháp răn đe khác trở nên lỗi thời. Các tên lửa toàn cầu không thể bị phát hiện kịp lúc để thực hiện bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào”, ông Khrushchev tuyên bố.

Trên thực tế, theo Russia Beyond, tại thời điểm ông Khrushchev phát biểu, còn chưa có một cơ quan chức năng nào của Liên Xô đưa ra đề xuất nghiên cứu nào như thế. Vì vậy, việc đồn đoán về sức mạnh của loại tên lửa này là “quá sớm”. “Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản bài phát biểu tạo được hiệu ứng cần thiết khi giới tình báo nước ngoài bắt đầu nghiêm túc tìm kiếm thông tin về GR-1 và đặt cho loại tên lửa này mật danh SS-X-10 Scrag. Khi mô hình GR-1 được trình làng ở Quảng trường Đỏ vào năm 1965, người Mỹ không còn nghi ngờ gì nữa: Liên Xô đã làm được điều đó!”, Russia Beyond khẳng định.

Không dừng lại ở đó, để tạo sự chân thực cho “màn kịch”, sau mỗi cuộc duyệt binh, tên lửa mô hình lại được đưa đến một nhà ga xe lửa nào đó ở Moscow vì Liên Xô thừa biết rằng, nhất cử nhất động đều đang bị tình báo nước ngoài theo sát. Phương Tây sẽ tìm cách suy đoán xem loại vũ khí được cho là mới của Liên Xô này được triển khai theo hướng nào để bảo vệ đất nước. Theo cựu Chủ tịch KGB Semichastny, việc bí mật nghe được các cuộc trò chuyện qua điện thoại của tình báo phương Tây “giúp chúng tôi có thể xác định được chiến dịch của mình thành công đến đâu”.

Không quân Mỹ tham vọng thay đổi chiến trường tương lai bằng robot Không quân Mỹ tham vọng thay đổi chiến trường tương lai bằng robot

Giới chức Không quân Mỹ đang đặt ra kế hoạch vào năm 2030 sẽ tích hợp đội hình giữa máy bay chiến đấu có người ...

Không quân Mỹ, Nga và Trung Quốc: Nước nào thống trị bầu trời? Không quân Mỹ, Nga và Trung Quốc: Nước nào thống trị bầu trời?

Một báo cáo mới đây đã cho thấy quy mô của các lực lượng không quân trên thế giới mà theo đó Mỹ, Nga và ...

Nguồn: Quân Đội Nhân Dân
www.qdnd.vn
Phiên bản di động