Chị em tá hỏa vì môi sưng vều, nhiễm khuẩn hoại tử vì xăm môi “thợ vườn”

Có những cô gái đến viện khẩu trang bịt kín mít, khi bỏ khẩu trang để khám bác sĩ cũng giật mình vì môi sưng vều, thậm chí nhiễm khuẩn hoại tử sau làm đẹp.
Thẩm mỹ viện Phương Thúy bất chấp rủi ro tư vấn làm dịch vụ vượt phép Thẩm Mỹ Viện Hoa Kỳ: Thách thức dư luận, ngang nhiên tư vấn dịch vụ xâm lấn Rước hoạ từ thẩm mỹ viện "chui": Tiền mất tật mang...!

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV Da liễu Trung ương, thời gian qua, trào lưu xăm môi, xăm mày là khá phổ biến. Nhiều chị em bỏ tiền đi làm đẹp với mong muốn có đôi môi lúc nào cũng hồng bóng không cần dùng son, tươi xinh bất chấp kể cả khi ăn uống, khi vừa ngủ dậy...

chi em ta hoa vi moi sung veu nhiem khuan hoai tu vi xam moi tho vuon
Một trường hợp môi sưng vều sau xăm môi được lan truyền trên mạng xã hội.

Tuy nhiên trên thực tế, có những chị em bỏ tiền làm đẹp lại khiến mình xấu hơn do gặp biến chứng.

Tại BV Da liễu Trung ương từng tiếp nhận bệnh nhân môi sưng vều, viêm hoại tử, nhiễm trùng sau xăm môi không được tiệt trùng tốt.

Chưa kể, xăm môi cũng là phương pháp xâm lấn, nếu dụng cụ tiệt trùng không tốt, dùng chung dụng cụ có thể lây truyền bệnh từ người nọ sang người kia.

Theo PGS Thường, xăm môi thẩm mỹ là một phương pháp xâm lấn, ở nước ngoài được quản lý rất chặt. Còn tại Việt Nam, ở đâu cũng có thể xăm môi, xăm mày từ spa hay đến quán cắt tóc, gội đầu. Có những người hành nghề xăm môi dạo, mang dụng cụ đến tận nhà khách hàng có nhu cầu.

"Điều này rất nguy hiểm, vì ngoài nguy cơ nhiễm trùng do dụng cụ tiệt trùng không đảm bảo gây biến chứng sưng, có mủ vùng môi, khi xăm mà còn có nguy cơ lây truyền bệnh. Chưa kể, khi xăm môi đều phải ủ tê để giảm đau, nếu xảy ra các tình huống dị ứng thuốc tê sẽ không thể kịp xử lý", PGS Thường cảnh báo.

Sau xăm môi có thể xảy ra phản ứng dị ứng tức thì làm nổi ban đỏ, ngứa mày đay, khó thở, các triệu chứng về tiêu hóa, sốc phản vệ nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Các phản ứng dị ứng có thể xảy ra chậm sau xăm môi như viêm da tiếp xúc, tạo u hạt quanh vùng xăm do cơ thể phản ứng với mực xăm.

Bên cạnh đó, PGS Thường cũng cảnh báo trào lưu tiêm filler (chất làm đầy) để làm đẹp. Khách hàng có nhu cầu tiêm bất cứ đâu, từ tiêm môi để môi căng mọng, tiêm vào cằm, vào má, mũi... đều được các spa đáp ứng.

Bệnh viện Da liễu Trung ương mới đây tiếp nhận bệnh nhân 32 tuổi ở Hà Nội nhập viện do bị sưng nề nhiều vùng mắt và môi do tiêm chất làm đầy (filler) ở môi, mắt và thái dương tại một thẩm mỹ viện.

Ths.BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (BV Da liễu Trung ương) cho biết, tại thời điểm vào viện, bệnh nhân tổn thương sưng nề, căng bóng, sờ có khối chắc và vết dò ở môi trên và môi dưới, có phản ứng u hạt sau tiêm filler.

Để giải quyết tình trạng này của bệnh nhân, bác sĩ đã chỉ định tiêm thuốc giải filler và chống phù nề, giảm viêm cho bệnh nhân.

Theo Ths.BS Vũ Thái Hà, biến chứng tiêm chất làm đầy có nguy cơ xảy nhưng không nhiều nếu được tiêm filler chuẩn, tại các cơ sở đảm bảo, bác sĩ có tay nghề. Tuy nhiên, khi khách hàng được tiêm bằng các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc hoặc tại các cơ sở không đáng tin cậy hoặc không được cấp phép thì tỷ lệ gặp các biến chứng này cũng tăng lên.

"Theo quy định, một bác sĩ để được tiêm chất làm đầy cho bệnh nhân, bác sĩ đó phải được đào tạo về filler, là bác sĩ thẩm mỹ, bác sĩ da liễu được đào tạo về filler và được cấp chứng chỉ hành nghề thì mới được tiêm filler cho bệnh nhân. Trong khi đó, phần lớn các ca có tai biến sau tiêm chất làm đầy nhập viện đều là tiêm tại các spa, cơ sở thẩm mỹ. Không phải cứ thấy người ta tiêm là mình cũng tiêm, dễ xảy ra biến chứng do không hiểu giải phẫu, không hiểu chỉ định tiêm", BS Hà cảnh báo.

Theo PGS Thường, hiện nay, những phương pháp thẩm mỹ không xâm lấn, hoặc ít xâm lấn được nhiều người lựa chọn để làm đẹp do an toàn, không để lại sẹo, thời gian can thiệp ngắn. Tuy nhiên, không phải cứ phương pháp không xâm lấn là có thể làm tuỳ tiện. Thời gian qua BV tiếp nhận nhận nhiều ca tai biến do đi làm đẹp tại các cơ sở y tế chưa được cấp phép. Các ca tai biến gặp nhiều nhất là tiêm chất làm đầy gây tắc mạch khiến bệnh nhân bị sưng môi, tắc mạch gây hoại tử vùng mũi, tắc mạch và tổn thương vùng mũi – mắt...

Vì thế, PGS Thường cảnh báo, chị em có nhu cầu làm đẹp nhưng cần phải làm đẹp an toàn. Những can thiệp có xâm lấn vào cơ thể cần được thực hiện bởi những người được đào tạo bài bản, được cấp phép hành nghề.

Khi thực hiện các dịch vụ phun, xăm thẩm mỹ, các chuyên gia da liễu, thẩm mỹ khuyến cáo chị em nên chọn dịch vụ tại những cơ sở y tế có chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, tuyệt đối không xăm ở các các quán cắt tóc, gội đầu.

Huyền My
Theo Dân trí
Phiên bản di động