Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng về phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Cần phải thay đổi cách thức chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”, phải chủ động, cụ thể và quyết liệt hơn nữa, không đợi đến khi có dịch mới triển khai công tác phòng, chống; không được chủ quan để gây thiệt hại quá lớn cho người chăn nuôi.
Dịch tả lợn châu Phi: Sự vô cảm sẽ giết chết niềm tin Bắc Giang: Hệ lụy khi khai tử chức danh cán bộ khuyến nông, thú y cấp cơ sở [Infographic] Dịch tả lợn châu Phi quét qua 34 tỉnh thành, tiêu diệt 1,5 triệu con lợn

Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4291/VPCP-NN về việc tiếp tục quyết liệt triển khai công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, căn bản hơn nữa các giải pháp phòng chống dịch.

chi dao moi nhat cua thu tuong ve phong chong dich ta lon chau phi
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tại trang trại gia đình ông Trần Xuân Mậu

Thủ tướng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo Quốc gia phải có kế hoạch tổng thể về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và có kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn, từng khu vực; các địa phương từ tỉnh đến huyện, xã, thôn phải xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình cụ thể ở địa phương mình và cho từng giai đoạn.

Đồng thời tăng cường trách nhiệm người đứng đầu khi các Thành viên của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trực tiếp làm trưởng Đoàn công tác đến từng tỉnh, thành phố để đôn đốc, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố cần chỉ đạo, theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; kịp thời rà soát điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện quyết liệt kế hoạch ứng phó bệnh Dịch tả lợn châu Phi, không để dịch bùng phát ảnh hưởng tới cuộc sống, môi trường và sức khỏe người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu huỷ do nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm công khai, minh bạch để người dân yên tâm thực hiện các biện pháp chống dịch; bố trí kinh phí trả thù lao phù hợp rõ ràng, chặt chẽ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh; phải có phương án cụ thể để tiêu hủy lợn bị bệnh phù hợp với các cấp độ xảy ra, huy động các lực lượng đủ mạnh tham gia hỗ trợ khi cần thiết.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tổ chức chống dịch có hiệu quả hơn, sát thực tế và khả thi hơn; vừa bảo đảm chống dịch nhưng cũng tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, đảm bảo chặt chẽ, khả thi, minh bạch.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học trong Đề án quốc gia nghiên cứu giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, trong đó có nội dung nghiên cứu, chế tạo vắc-xin.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Ngoại giao chủ động làm việc, đề nghị các tổ chức quốc tế và các nước xem xét, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động, kịp thời thông tin, báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh cho các tổ chức quốc tế theo quy định.

Thủ tướng cũng khuyến khích đẩy mạnh tái cấu trúc ngành chăn nuôi, đẩy mạnh đa dạng hóa vật nuôi bù đắp sản phẩm thịt lợn thiếu hụt, yêu cầu xây dựng đề án tái phát triển đàn lợn khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế. Khuyến khích thu mua lợn sạch trong vùng có dịch để tiêu thụ, cấp trữ đông nhằm giảm thiểu lây lan dịch bệnh, giữ ổn định giá.

Huyền My
Phiên bản di động