Chi 365 tỉ đồng di dời các cơ sở gây ô nhiễm tại Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh có khoảng hơn 1.500 cơ sở với hơn 4.500 lao động, sử dụng hơn 560.000 m2 đất thuộc diện phải di dời ra khỏi khu dân cư do ô nhiễm hoặc không phù hợp quy hoạch. 
Gánh nợ nghìn tỷ, Công ty xi măng và xây dựng Quảng Ninh vẫn chưa hết vận đen

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa 13 diễn ra sáng 29/7, bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh, đã trình bày tờ trình về chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025.

Theo Giám đốc Sở Công thương, tháng 4/2018, Quảng Ninh đã ban hành chương trình hành động về bảo vệ môi trường giai đoạn 2018-2022, đề ra mục tiêu tới năm 2020 sẽ di dời 100% các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch ra khỏi các khu dân cư. Vì vậy, UBND tỉnh cho rằng cần thiết phải ban hành chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở này.

Theo bà Hiền, nội dung hỗ trợ bao gồm chi phí di dời, thuê mặt bằng và thực hiện chế độ cho người lao động. Cụ thể, cơ sở di chuyển đến địa điểm mới được hỗ trợ một lần kinh phí tháo dỡ, vận chuyển 300.000 đồng/m2 và 60% chi phí thực tế đầu tư xây dựng nhà xưởng ở nơi mới. Cơ sở tự chuyển đổi ngành nghề hoặc chấm dứt hoạt động được hỗ trợ kinh phí phá dỡ 500.000 đồng/m2. Tuy nhiên, tổng mức hỗ trợ di dời sẽ khống chế ở mức tối đa là 300 triệu đồng/ cơ sở.

chi 365 ti dong di doi cac co so gay o nhiem tai quang ninh
Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khai mạc kỳ họp thứ 13. Ảnh PLO

Sau khi di dời, chủ cơ sở sẽ được hỗ trợ tiền thuê mặt bằng trong 2 năm, cơ sở không quá 1.000 m2 được hỗ trợ 100% giá thuê, cơ sở trên 1.000 m2 được hỗ trợ 70% giá thuê nhưng nghiêm cấm cho thuê lại với phần diện tích được hỗ trợ. Tỉnh Quảng Ninh cũng dự kiến hỗ trợ các cơ sở giải quyết chế độ cho người lao động khi phải di dời.

Theo thống kê của tỉnh, hiện tỉnh có khoảng hơn 1.500 cơ sở với hơn 4.500 lao động, sử dụng hơn 560.000 m2 đất thuộc diện phải di dời ra khỏi khu dân cư do ô nhiễm hoặc không phù hợp quy hoạch. Khu vực tập trung nhiều nhất là thị xã Đông Triều với 471 cơ sở, TP Cẩm Phả đứng thứ hai với 378 cơ sở, tiếp đến là huyện Hoành Bồ, Đầm Hà.

Với số lượng này, tổng kinh phí dự kiến là hơn 365 tỉ đồng. Nguồn kinh phí này sẽ được lấy từ ngân sách tỉnh và các huyện.

Tỉnh Quảng Ninh dự định sẽ sắp xếp, di dời hơn 980 cơ sở vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại các địa phương, hơn 100 cơ sở tự chuyển đổi ngành nghề, số còn lại có thể phải ngừng sản xuất.

Vi Hải
Phiên bản di động