Chất lượng không khí Hà Nội có đáng báo động?

Ngày 27/8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Chất lượng không khí Hà Nội: Thực trạng và định hướng giải pháp”.
Chất lượng không khí Hà Nội đang giảm rõ rệt

Nhằm đóng góp vào nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 và cải thiện chất lượng không khí nói chung, ngày 27/8, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Đại học Xây dựng và Trung tâm Sáng tạo Phát triển xanh (GreenID) tổ chức Hội thảo “Chất lượng không khí Hà Nội: Thực trạng và định hướng giải pháp”.

Chất lượng không khí Hà Nội có đáng báo động?
Chất lượng không khí Hà Nội có đáng báo động?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết: Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô là mục tiêu phấn đấu cho mọi ngành, mọi lĩnh vực mà Thành ủy, HĐND thành phố đã đặt ra.

Tuy vậy, với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, sự tăng dân số ngoài kế hoạch, hạ tầng xã hội tăng không kịp với nhu cầu cho nên ô nhiễm không khí tại Hà Nội, nhất là khu vực nội thành có lúc đã trở nên báo động, làm ảnh hưởng đến không chỉ sức khỏe mà cả đến các hoạt động trong thành phố.

Chính vì vậy, Hội thảo này muốn chia sẻ các kết quả nghiên cứu về thực trạng chất lượng không khí Hà Nội và thảo luận định hướng các giải pháp về quản lý, cũng như cơ chế chính sách nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.

Tại Hội thảo, các đại biểu thuộc đại diện các Sở, ban, ngành, các chuyên gia về chất lượng không khí, các tổ chức chính trị - xã hội ...được nghe các nghiên cứu về hiện trạng chất lượng không khí (ô nhiễm bụi trong khu dân cư tại Hà Nội, chất lượng không khí ở Hà Nội năm 2108); nghiên cứu về nguồn thải (phát thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại Hà Nội)....

So sánh chất lượng không khí giữa hai thành phố khu vực châu Á: Hà Nội (Việt Nam) và Seoul (Hàn Quốc), Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Đức Lượng, Trường Đại học Xây dựng cho biết: Nồng độ trung bình của bụi PM10, CO, O3 đo ở trạm 556 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội trong giai đoạn 2010-2016 cao hơn nhiều so với tại Seoul, Hàn Quốc.

Tại Hà Nội, nồng độ các chất ô nhiễm không khí (ngoại trừ O3) nhìn chung có xu hướng gia tăng trong mùa khô (mùa Thu và mùa Đông) tương đối khác so với tại Seoul, có thể do sự khác nhau về đặc tính nguồn phát thải và điều kiện khí tượng giữa hai thành phố. Xu hướng biến đổi theo các giờ trong ngày của một số chất ô nhiễm (PM10, CO, NO2) ở Hà Nội và Seoul khá tương đồng và thể hiện tác động của nguồn thải giao thông ở các giờ cao điểm tới chất lượng không khí.

Do đó, để đánh giá một cách toàn diện chất lượng không khí ở Hà Nội, cần thực hiện các nghiên cứu quan trắc, phân tích, đánh giá chất lượng không khí tại các khu vực, địa điểm khác nhau; nghiên cứu nhận dạng và đánh giá tác động của các nguồn thải khác nhau (giao thông, công nghiệp, sinh hoạt, xây dựng, đốt rơm rạ...) và điều kiện khí tượng tới chất lượng không khí đô thị.

Ngoài ra, bổ sung các trạm quan trắc chất lượng không khí tự động liên tục cho Hà Nội; xem xét áp dụng các công cụ khác (mô hình, vệ tinh viễn thám...) để hỗ trợ thêm trong công tác nghiên cứu và quản lý chất lượng không khí.

Bên cạnh đó, các đại biểu cùng trao đổi và thảo luận về vai trò, sự phối hợp giữa các bên liên quan và các chính sách, giài pháp nhằm kiểm soát và quản lý chất lượng không khí.

Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh đến giải pháp nên ban hành chính sách riêng về bảo vệ môi trường không khí (ví dụ Đạo luật không khí sạch); kiểm soát các nguồn phát thải lớn như xi măng, nhiệt điện, thép..; tăng cường sử dụng phương tiện công cộng; thúc đẩy các ngành kinh tế phát thải thấp; đồng thời cần nhiều hơn những nghiên cứu ô nhiễm không khí nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách.

Theo TTXVN
Phiên bản di động