Chàng trai khuyết tật “truyền cảm hứng” bằng tấm gương của chính mình

Khi bước sang tuổi 15 chưa đầy một tháng, Phạm Sỹ Long (quê ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) bị tai nạn, vết thương quá nặng, từ đó cậu trở thành người khuyết tật, gắn với chiếc xe lăn.
Hơn 30 trẻ khuyết tật vận động được phẫu thuật Truyền thông điệp “sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực" Giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Dùng miệng để viết văn, vẽ tranh

Phạm Sỹ Long sinh năm 1988. Chàng trai trẻ đầy hoài bão, khát vọng. Những tưởng cậu sẽ không còn có tương lai vì tàn tật nhưng nhờ có tình yêu thương của gia đình, xã hội mà chàng trai đã vượt qua được sự khủng hoảng tâm lý và trở lại là một người hồn nhiên, yêu đời.

Long chia sẻ: “Sau bốn năm bị tai nạn, tôi luôn được mọi người quan tâm và nhất là sự chăm sóc tận tình, chu đáo suốt ngày đêm của mẹ. Tôi nghĩ, nếu cứ như vậy thì dù sống được bao lâu cũng chẳng có ý nghĩa gì cả nhưng cơ thể của tôi gần như đã bị liệt hoàn toàn, mọi sinh hoạt đều cần phải nhờ người thân giúp đỡ thì liệu tôi có thể làm được việc gì đây? Thế rồi, tôi cũng nhận ra cái miệng của mình khá khéo léo, có thể làm được rất nhiều việc. Vậy nên tôi dùng miệng để viết chữ, vẽ tranh…”.

Năm 2009, trong một lần xem TV, thấy một người đàn ông cùng cảnh ngộ như mình, điều đặc biệt là người đàn ông này không tay, không chân nhưng có thể viết, vẽ, đá bóng, đánh nhạc..., Long bỗng vụt lên một ý tưởng "Họ làm được thì mình cũng làm được". Cậu bắt đầu nỗ lực với một ước mơ giản dị, mình phải sống nhưng sống phải có ý nghĩa.

Từ đó, suốt ngày lẫn đêm, chàng trai trẻ bắt đầu lấy miệng cầm bút. Lúc đầu chưa quen, mỗi lần ngậm bút như vậy, Long thấy đau buốt, ê răng và mỏi cổ. Hai bàn tay khua, đôi bàn chân tỳ xuống giường, đôi mắt tập trung cao độ nhưng cảm giác đau đớn như bị ai cắt da cắt thịt cứ hành hạ cậu.

Phạm Sỹ Long
Phạm Sỹ Long

Có ngày chàng trai tật nguyền ấy viết, vẽ hàng trăm tờ giấy nhưng khổ nỗi, ban đầu nét chữ chỉ ngoằn ngoèo, còn những bức tranh thì lại vô hồn, giống như người mù tập viết, tập vẽ vậy. Rồi một tuần, một tháng và một năm trôi qua, số lượng những bài thơ, bức tranh tăng lên nhưng cũng chưa được tác phẩm nào ưng ý. Nhìn cả đống vở cao ngút vứt trong ngăn kéo, Long nhiều lần tự bỏ cuộc và nhận mình thất bại. Song vì thương mẹ, thương bản thân mình, Long lại cắn răng chịu đau để tập viết, tập vẽ, tập sáng tác.

Mỗi ngày, Long lại phải lật nghiêng, lật ngửa nhiều lần, mỗi lần như vậy là một cuộc hành xác đau đớn. Mỗi lúc nổi hứng vẽ, Long lại nhờ mẹ, các chị bồng bế dậy cố ngồi trên chiếc xe lăn để hình dung ra những chiếc cốc, bông hoa, quả chuối, cây đào và những khuôn mặt thân quen trong xóm để vẽ. Long vẽ hết ngày này qua ngày khác, tháng này, năm này qua năm khác... cho đến một ngày những bức tranh của Long đã có đường nét, màu sắc ưng ý thì Long mới bắt đầu chuyển sang làm thơ, viết văn.

Người truyền cảm hứng

Sau hơn mười năm kiên trì, nỗ lực và nhờ sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân mà Phạm Sỹ Long đã xuất bản được hai quyển sách là tập thơ "Miền khát vọng" và truyện dài "Không chỉ là giấc mơ". Ngoài ra, cậu còn có bốn quyển sổ hồi ký, hai quyển sổ thơ, hai quyển sổ gồm những câu chuyện vẫn chưa xuất bản và còn hơn sáu mươi bức tranh. Tất cả đều được Long viết, vẽ nên bằng miệng. Đó chính là tài sản vô giá của chàng trai khuyết tật và cũng là niềm tự hào của gia đình cậu.

Phạm Sỹ Long
Phạm Sỹ Long đã trở thành một diễn giả truyền cảm hứng

Mùa hè năm 2021, Phạm Sỹ Long tham gia vào một số cộng đồng học tập, được quen biết với rất nhiều người tốt, khiến Long nhận ra được ý nghĩa của cuộc đời và truyền cảm hứng cho cậu. Sau khi tốt nghiệp các khóa học kỹ năng, chàng trai 8X đã mở ra một khóa học của riêng mình "Thức tỉnh giọng nói bên trong bạn" và thực hiện ước mơ trở thành diễn giả truyền cảm hứng.

Những khoá học của Long đã giúp cho nhiều người vượt qua sự tự ti, mặc cảm của bản thân để tự tin khi giao tiếp, thuyết trình trước công chúng; giúp được cho nhiều người trở thành MC dẫn chương trình. Đặc biệt với những người khuyết tật và hoàn cảnh khó khăn đều được Long cho học miễn phí.

Trở thành một người thầy đã là ngoài sức tưởng tượng của cậu trước kia rồi. Trở thành một diễn giả truyền cảm hứng lại là điều mà Long chỉ dám mơ ước thôi nhưng nhờ có sự hỗ trợ của cộng đồng, người thân tiếp thêm động lực và cả sự kiên trì, nỗ lực của bản thân mà chàng trai 8X đã biến những ước mơ, hoài bão của mình trở thành sự thật.

Chàng trai khuyết tật bày tỏ: “Mặc dù hiện tại cuộc sống của tôi vẫn còn rất nhiều khó khăn, vì sức khỏe của tôi và mẹ đều ngày càng kém nhưng bù lại về tinh thần, tôi luôn luôn cảm thấy hạnh phúc và biết ơn. Bởi sau bao nhiêu nỗ lực thì hầu hết những ước mơ của tôi đều đã trở thành sự thật. Bởi cuộc sống của tôi đã, đang và sẽ còn có ý nghĩa hơn”.

Với ý chí vượt lên nghịch cảnh, Long vinh dự nhận chứng nhận "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đặc biệt, Long vinh dự là một trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Toả sáng nghị lực Việt" năm 2022 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức.

Lê Dung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động