Cảnh báo tình trạng bệnh viện để lọt ca Covid-19 không biết

Ca Covid-19 đi khám 2-3 lần nhưng cơ sở y tế không phát hiện ra. Bộ Y tế yêu cầu xét nghiệm tất cả người có biểu hiện hô hấp.
Việt Nam có kho siêu lạnh đầu tiên đủ điều kiện nhập vắc xin Covid-19

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, trong đợt dịch từ 27/1 đến nay, cả nước đã có hàng loạt cơ sở y tế phải đóng cửa như Bệnh viện trẻ em Hải Phòng, Vinmec Quảng Ninh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai, Bệnh viện Thăng Long và mới nhất là Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng do để lọt các ca mắc Covid-19.

Trong đó Bệnh viện Thăng Long là nơi nữ công nhân Hải Dương đến thực hiện xét nghiệm Covid-19 vào ngày 15/1, cho kết quả âm tính. Ngày 16/1, nữ công nhân bay sang Nhật Bản đi xuất khẩu lao động và ngày 17/1 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại quốc gia này.

Đây là ca bệnh Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Hải Dương, mở đầu cho chuỗi lây nhiễm tại địa phương này và lây nhiễm ra nhiều tỉnh khác, đánh dấu làn sóng dịch thứ 3 tại Việt Nam.

Cảnh báo tình trạng bệnh viện để lọt ca Covid-19 không biết
Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai phải phong toả sau khi ghi nhận ca Covid-19 đến khám. Ảnh: Văn Lệ

Trung tâm Y tế huyện Kinh Môn, Hải Dương vừa qua cũng bỏ lọt một ca bệnh là nam, 60 tuổi. Trường hợp này là F2, từng ở nhà 7 ngày, có triệu chứng sốt, đi khám nhưng nhân viên y tế không phát hiện được, đến ngày 4/2 xét nghiệm lại mới phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, sau đó bệnh nhân chuyển nặng nhanh.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã đề nghị đóng cửa phòng khám Raffles ở Tây Hồ, Hà Nội, nơi bệnh nhân 2229, chuyên gia người Nhật (phát hiện tử vong ngày 14/2) từng 2 lần đến khám nhưng cơ sở y tế này không phát hiện ra, không chỉ định lấy mẫu.

Ngoài ra, các bệnh viện lớn như Nội tiết Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương… cũng từng mất ngủ cả đêm để cách ly, xét nghiệm do có ca bệnh Covid-19 đến khám nhưng may mắn các F1 sau đó đều âm tính.

Theo PGS Khuê, trong đợt dịch mới, 83% bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện nhẹ, rất khó phát hiện trong các cơ sở khám chữa bệnh. Do đó, Bộ Y tế đã điều chỉnh hướng dẫn về phân luồng, cách ly, biện pháp điều trị, phát hiện bệnh trong khu vực khám chữa bệnh.

Để tránh bỏ lọt các ca Covid-19 như vừa qua, ông Khuê đề nghị các cơ sở y tế tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, cập nhật vào phần mềm bệnh viện an toàn, phòng khám an toàn.

“Chúng tôi yêu cầu phải đẩy mạnh xét nghiệm trong bệnh viện, sàng lọc sớm các ca bệnh. Phải hết sức cảnh giác với tất cả các ca bệnh có ho, sốt, khó thở, dù không có yếu tố dịch tễ cũng xét nghiệm ngay hoặc đưa về điều trị tập trung ở các bệnh viện có thể cấp cứu được”, ông Khuê nói.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận, tình trạng bệnh nhân Covid-19 2-3 lần đi khám nhưng cơ sở y tế không phát hiện ra do liên quan đến việc thực hiện các tiêu chí an toàn bệnh viện.

Vì vậy, thứ trưởng cho rằng ngoài các tiêu chí chấm điểm bệnh viện, các cơ sở y tế phải kích hoạt thêm hệ thống báo động viêm viêm đường hô hấp tại tất cả 63 tỉnh, thành thông qua các chương trình trước đây đã có nhằm phát hiện sớm các ca nghi ngờ, phân luồng bệnh nhân.

Trong cuộc họp cuối tuần qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, phải tăng cường tầm soát tất cả các khu vực nguy cơ như bệnh viện, nơi tập trung đông người, nơi giao lưu đi lại nhiều…

Với bệnh viện, Bộ trưởng đề nghị lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp ho, sốt để chủ động giám sát. Nếu chờ phát hiện ca bệnh mới quay lại truy vết sẽ mất rất nhiều thời gian.

Hiện tại, Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế đầu tiên cả nước giám sát rất chặt người vào ra bệnh viện. Bệnh viện yêu cầu xét nghiệm Covid-19 với toàn bộ người bệnh nhập viện điều trị nội trú, 1 người nhà đi kèm và xét nghiệm thường quy với tất cả nhân viên y tế.

Đối với học viên phải có xác nhận của cơ sở đào tạo mới được vào bệnh viện thực tập và phải thực hiện khai báo y tế hàng ngày.

Trong nửa tháng qua, Bệnh viện E cũng thực hiện lấy mẫu 2 lần cho các cán bộ, viên chức, người lao động của bệnh viện có yếu tố dịch tễ liên quan đến 13 tỉnh đang có dịch.

Tính đến sáng 22/2, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 2.383 ca mắc Covid-19, trong đó 1.484 ca mắc trong nước. Riêng từ ngày 27/1 đến nay, 13 tỉnh, thành phố nước ta ghi nhận 791 ca, trong đó Hải Dương nhiều nhất với 611 ca mắc.

Nguồn: VietNamNet
vietnamnet.vn
Phiên bản di động