Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân (Thanh Hóa) được quy hoạch mở rộng

UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồ án Quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân được phê duyệt tại Quyết định số 1136/QĐ-BGTVT ngày 12/6/2020 của Bộ GTVT, đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung; cũng như mục tiêu phát triển của ngành hàng không cả nước.

Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân (Thanh Hóa) được quy hoạch mở rộng

Mặt bằng quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân tầm nhìn đến năm 2050.

Nội dung quy hoạch thời kỳ 2021-2030 là cảng hàng không quốc tế, có chức năng dự bị cho Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự, có cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp I, công suất 5 triệu hành khách và 27.000 tấn hàng hóa/năm. Cảng khai thác là loại tàu bay code E hoặc tương đương, tổng số vị trí đỗ tàu bay 16 vị trí code C (có khả năng đỗ tàu bay code E). Cấp cứu nguy, cứu hỏa cấp 9. Sử dụng đường cất hạ cánh hiện hữu (đường cất hạ cánh số 1) kích thước 3.200m x 50m. Xây dựng đường cất hạ cánh số 2, kích thước 3.800m x 45m, song song và cách đường cất hạ cánh số 1 khoảng 360m về phía Đông Bắc. Các đường lăn có chiều rộng 23m, lề vật liệu mỗi bên rộng 7,5m, bảo đảm khai thác các loại tàu bay code E. Mở rộng sân đỗ tàu bay hiện hữu từ 3 vị trí code C lên 16 vị trí code C (có khả năng tiếp nhận tàu bay code E) đáp ứng công suất khai thác 5 triệu hành khách/năm.

Ngoài ra, Càng hàng không Quốc tế Thọ Xuân sẽ sử dụng Đài kiểm soát không lưu hiện hữu trên khu đất có diện tích khoảng 10.000m2. Sử dụng Đài dẫn đường VOR/DME hiện hữu cách đầu 31 đường cất hạ cánh 1.550m. Sử dụng hệ thống ILS hiện hữu cho đường cất hạ cánh số 1. Đầu tư mới hệ thống ILS cho đường cất hạ cánh số 2. Quy hoạch đủ diện tích đất để nâng hệ thống đèn tiếp cận giản đơn đầu 13 lên CAT II khi có nhu cầu. Quy hoạch sử dụng đất là 844,86 ha, trong đó diện tích đất dùng chung 181,30ha, diện tích đất khu hàng không dân dụng 246,76 ha, diện tích đất khu quân sự 416,80 ha...

Nội dung quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050 nghiên cứu và xây dựng đồng bộ các công trình khu hàng không dân dụng mới ở phía Đông Bắc đạt khoảng 20 triệu hành khách/năm. Khu vực phía Tây Nam vẫn được tiếp tục sử dụng và các công trình cung cấp dịch vụ sẽ được tính toán để chuyển dần sang khu vực phía Đông Bắc khi cần phải tăng công suất để bảo đảm phù hợp với nhu cầu phát triển của Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2050 là 1.092,53 ha, trong đó diện tích đất dùng chung 181,30 ha, diện tích đất khu hàng không dân dụng 494,43 ha, diện tích đất khu quân sự 416,80 ha, diện tích đất dự phòng phát triển sau năm 2050 là 379,65 ha.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu tích hợp quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân vào quy hoạch của tỉnh. Đồng thời tổ chức xác định ranh giới theo quy hoạch để bàn giao cho chính quyền địa phương và công bố công khai để nhân dân được biết. Cục Hàng không Việt Nam từng bước huy động nguồn lực triển khai đầu tư các công trình theo quy hoạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm, nhấn mạnh: Việc công bố Quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa lớn đối với tỉnh Thanh Hóa, phù hợp với điều kiện thực tế và các tiềm năng, định hướng phát triển của tỉnh Thanh Hóa, phù hợp với các định hướng phát triển của ngành hàng không. Đồng chí cảm ơn Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, các đơn vị khai thác, quản lý cảng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Tân Tam
Phiên bản di động