Cần sớm kết thúc điều tra vụ Công ty MIKA bị tố cáo lừa đảo xuất khẩu lao động

Theo ý kiến của luật sư, các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Công an quận Long Biên cần sớm kết thúc điều tra vụ Công ty MIKA bị tố cáo lừa đảo xuất khẩu lao động để trả lại quyền lợi cho người dân, giúp họ ổn định tâm lý và cuộc sống.
Vụ Công ty MIKA bị “tố” lừa đảo xuất khẩu lao động: Sở LĐTB&XH Hà Nội nói gì? Vụ Công ty MIKA bị “tố” lừa đảo: Liệu có "chìm xuồng" Hàng chục người ‘tố’ bị Công ty MIKA lừa đảo xuất khẩu lao động

Trước đó, báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được đơn của tập thể người lao động tố cáo bị Công ty Cổ phần nhân lực quốc tế MIKA (Công ty MIKA) có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong hoạt động xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.

Theo đơn của người lao động, Công ty MIKA đăng tải thông tin có nhu cầu tuyển lao động sang Nhật Bản làm việc với mức lương là 40 triệu/tháng trở lên. Thời gian để sang Nhật Bản làm việc mà đại diện công ty cam kết là trong thời gian 6 - 8 tháng từ khi nộp hồ sơ.

Những người lao động vì tin tưởng công ty, đồng thời với mong muốn có nhu cầu sang Nhật Bản làm việc nên đã ký hợp đồng lao động và đóng tiền cho Công ty MIKA, số tiền đóng ít nhất 30 triệu đồng, nhiều nhất là gần 100 triệu đồng và có phiếu thu.

Tuy nhiên, sau khi hết thời hạn cam kết, Công ty MIKA không thực hiện được việc như thoả thuận và cũng không trả lại tiền cho những người lao động. Hiện nay, còn rất nhiều người lao động chưa nhận được lại số tiền đã đóng cho Công ty MIKA nên đã tố cáo Công ty có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người lao động.

Cần sớm kết thúc điều tra vụ Công ty MIKA bị tố cáo lừa đảo xuất khẩu lao động
Một số nạn nhân nộp tiền cho Công ty MIKA nhưng đến nay chưa thể lấy lại được

Để hiểu biết thêm về các quy định của pháp luật liên quan tới hoạt động dịch vụ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã liên hệ với Luật sư Vũ Tuấn Linh – Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội xoay quanh vấn đề này.

Thưa Luật sư, để một doanh nghiệp có thể hoạt động dịch vụ đưa người nước ngoài đi làm việc thì cần đáp ứng những điều kiện gì?

Luật sư Vũ Tuấn Linh: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 quy định về Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì: “Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp dịch vụ) phải có vốn pháp định theo quy định của Chính phủ và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài”, theo đó doanh nghiệp khi thành lập hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đưa lao động đi làm việc nước ngoài phải có vốn pháp định là 5 tỷ đồng trở lên.

Để cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về cấp Giấy phép như sau:

Có Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

Có bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường hợp doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải có phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế;

Có tiền ký quỹ theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, chỉ những doanh nghiệp đáp ứng những điều kiện nêu trên theo quy định pháp luật thì mới được hoạt động các dịch vụ để đưa người lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc.

Cần sớm kết thúc điều tra vụ Công ty MIKA bị tố cáo lừa đảo xuất khẩu lao động
Trụ sở cũ của Công ty MIKA

Vậy trường hợp doanh nghiệp chưa đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc mà vẫn tuyển dụng, đào tạo và thu tiền của người lao động thì pháp luật quy định như thế nào?

Luật sư Vũ Tuấn Linh: Theo quy định tại Điều 7 Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 thì các hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

1. Cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là Giấy phép) cho doanh nghiệp không đủ điều kiện theo quy định của Luật này.

2. Sử dụng Giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho người khác sử dụng Giấy phép của mình để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

3. Giao nhiệm vụ điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho người đã quản lý doanh nghiệp bị thu hồi Giấy phép hoặc người đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên do vi phạm quy định của pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

4. Đi làm việc hoặc đưa người lao động đi làm việc ở khu vực, ngành, nghề và công việc bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc không được nước tiếp nhận người lao động cho phép.

5. Lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài.

6. Lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động.

7. Tổ chức đưa người lao động ra nước ngoài làm việc khi chưa đăng ký hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này.

8. Sau khi nhập cảnh không đến nơi làm việc hoặc bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng.

9. Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động.

10. Lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định của pháp luật.

11. Gây phiền hà, cản trở, sách nhiễu người lao động hoặc doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong hoạt động tổ chức đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp xử lý hành chính

Theo quy định tại Điều 75 Luật người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 thì “Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, người lao động đi làm việc ở nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính theo quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính”.

Theo đó, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là “cảnh cáo” hoặc “phạt tiền”. Ngoài hình thức xử phạt chính, các đối tượng nói trên còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và/hoặc áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả.

Mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc theo quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 15/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ 5.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

Trường hợp xử lý hình sự

Trường hợp cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hoạt động tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi nước làm việc nhưng vẫn cố tình đưa ra các thông tin gian dối, sai sự thật nhằm lừa dối người lao động có mong muốn làm việc ở nước ngoài để thu tiền nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người lao động có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.

Theo đó, người phạm tội có thể phải chịu mức hình phạt tùy theo tính chất, mức độ hành vi đã thực hiện, cụ thể như sau:

Trường hợp người tội phạm tội chiếm đoạt có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Trường hợp người phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Trường hợp người phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS, hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Cần sớm kết thúc điều tra vụ Công ty MIKA bị tố cáo lừa đảo xuất khẩu lao động
Giấy hẹn trả tiền cho anh Nguyễn Ngọc Tâm, nhưng đến nay lãnh đạo Công ty MIKA đã ''mất tích"

Các cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp hoạt động tổ chức đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc ngày càng nhiều, có trường hợp không đủ điều kiện hoạt động những vẫn tổ chức tuyển chọn, đào tạo và thu tiền của nguời lao động. Vậy theo luật sư thì người lao động cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?

Luật sư Vũ Tuấn Linh: Căn cứ thông tin báo cung cấp thì gần đây xảy ra tình trạng cá nhân, doanh nghiệp không đủ điều kiện, không có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn tổ chức tuyển chọn, đào tạo và thu tiền của người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.

Quá trình hoạt động, mặc dù không đủ điều kiện hoạt động, không đăng ký hợp đồng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để đưa người làm việc ở nước ngoài nhưng doanh nghiệp vẫn đăng tải thông tin tuyển chọn, đào tạo và cam kết, hứa hẹn với người lao động về việc có thể đưa người lao động ra nước ngoài làm việc trong thời gian nhất định cũng như hứa hẹn về mức lương người lao động có thể nhận được khi ra nước ngoài làm việc để người lao động tin tưởng, nộp tiền cho công ty.

Sau khi nhận tiền của người lao động, doanh nghiệp không thực hiện theo cam kết, cũng không trả lại tiền cho người lao động mà vẫn đang giữ tiền của người lao động. Khiến người lao động điêu đứng mặc dù số tiền đã đóng cho doanh nghiệp có thể là số tiền không hề nhỏ đối với người lao động.

Rõ ràng, các hành vi trên của doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của người lao động. Khi các doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh bằng những chiêu trò, những cách thức khác nhau để dụ dỗ, lôi kéo người lao động kí kết hơp đồng và đóng tiền cho doanh nghiệp. Rất nhiều người lao động với mong muốn ra nước ngoài làm việc đã không ngần ngại bỏ ra số tiền lớn, thậm chí đi vay để thể đóng cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên kết quả mà người lao động nhận lại chỉ là cam kết của doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện về hoạt động kinh doanh, không có giấy phép hay có đăng ký với cơ quan có thẩm quyền về hoạt động dịch vụ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, đến khi phát hiện vi phạm của doanh nghiệp, người lao động có thể không lấy lại được số tiền đã đóng.

Do đó, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp. Những cá nhân người lao động đang có dự định, mong muốn đi làm việc ở nước ngoài trước tiên phải tìm hiểu kỹ về thông tin doanh nghiệp, kinh nghiệm đưa người lao động ra nước ngoài làm việc của doanh nghiệp; trang bị kiến thức pháp luật cơ bản về điều kiện để được sang nước ngoài làm việc, trình tự thủ tục sang nước ngoài làm việc, các chế độ bảo hiểm, tử tuất,…

Người lao động trong trường hợp đã nộp tiền cho doanh nghiệp nhưng không được bảo đảm việc làm sang nước ngoài làm việc như cam kết mà phát hiện doanh nghiệp có thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người lao động có thể đơn tố cáo gửi cơ quan công an có thẩm quyển để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phải thanh tra giám sát thường xuyên đối với những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng.

Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan trực tiếp giúp Chính phủ quản lý hoạt động xuất khẩu lao động. Theo đó, Bộ là đơn vị chịu trách nhiệm chính về việc kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đặc biệt, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (Ban Quản lý lao động) có trách nhiệm bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; xử lý hành vi vi phạm của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.

Mặt khác, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nên có trách nhiệm quản lý hoạt động tuyển dụng người lao động của doanh nghiệp tại địa phương, xử lý vi phạm theo quy định, báo cáo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để xử lý theo quy định pháp luật.

Với trường hợp của Công ty MIKA, hàng chục người lao động tố cáo dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản với cùng hành vi tương tự nhau. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã khẳng định Công ty MIKA không có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn tiến hành thu tiền thì việc tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hoàn toàn có cơ sở.

Trong trường hợp này, các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Công an quận Long Biên cần sớm kết thúc điều tra vụ Công ty MIKA bị tố cáo lừa đảo xuất khẩu lao động để trả lại quyền lợi cho người dân, giúp họ ổn định tâm lý và cuộc sống.

Trân trọng cảm ơn ý kiến của luật sư!

Ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, đối với những doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động thì Sở này không được phép kiểm tra.

"Công ty có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động thì bình thường sẽ kiểm tra. Chúng tôi không được kiểm tra nếu doanh nghiệp không có giấy phép. Còn nếu có dấu hiệu lừa đảo thì bên công an sẽ có thẩm quyền xử lý'', ông Dân cho biết.

Theo ông Dân, để người lao động tránh bẫy lừa đảo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng chỉ có thể đưa ra khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ các doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu lao động được công bố trên website của Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).

"Công ty MIKA là không được cấp phép xuất khẩu lao động, những đơn vị không được cấp giấy phép mà vẫn hoạt động trong lĩnh vực này là đơn vị lừa đảo'', ông Dân nhận định.

Xuân Tường - Thiện Nhân
Phiên bản di động