Cán bộ gương mẫu, niềm tin nhân lên

Sau hơn hai năm đi vào cuộc sống, hai bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội đã có những tác động tích cực, rõ nét. Nhiều mô hình hay, cách làm tốt được nhân rộng, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ về trách nhiệm thực thi công vụ.
Đình chỉ công tác cán bộ CSGT tông chết người bán hoa quả
can bo guong mau niem tin nhan len
Cán bộ tại bộ phận "một cửa" UBND quận Long Biên tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.

Cán bộ, công chức gương mẫu, đi đầu

Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức về văn hóa giao tiếp, ứng xử; từng bước xây dựng, hình thành chuẩn mực trong lời nói, hành vi, năm 2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-Ctr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”.

Năm 2017, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Quy tắc ứng xử nơi công cộng nhằm tạo ra bước đột phá trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trong đó cán bộ, công chức, viên chức phải là người gương mẫu, đi đầu... Lấy điều này làm cốt lõi để lan tỏa, nhân rộng trong các tầng lớp nhân dân, từng bước xây dựng trật tự, kỷ cương trong xã hội.

Để thực hiện kỷ cương hành chính gắn với hai bộ Quy tắc ứng xử, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đột phá, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng chuyên nghiệp và minh bạch hơn. Thành phố tập trung đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành trên cơ sở phân công rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả; gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Từ thành phố tới cơ sở, nhiều phong trào, sáng kiến hay việc làm tốt đã được thực hiện nhằm lan tỏa rộng khắp các quy tắc ứng xử; góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về trách nhiệm thực thi công vụ, qua đó giúp củng cố niềm tin của nhân dân đối với tổ chức Đảng và chính quyền.

Đến nay, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) tăng 6 bậc, xếp thứ hai cả nước. Chỉ số về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) xếp thứ hai cả nước.

Chị Nguyễn Mai Anh (phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) đến làm hồ sơ thủ tục hành chính ở quận Long Biên đánh giá: “Tôi đến làm thủ tục muộn, hết giờ hành chính nhưng cán bộ vẫn rất nhiệt tình giúp giải quyết hồ sơ, không một lời cáu gắt”.

Hà Nội đã đón 23,83 triệu lượt khách du lịch (tăng 23%); tổ chức thành công hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển”; có 240 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng và cũng là địa phương duy nhất cung cấp dịch công mức độ 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ tới 100% xã, phường, thị trấn và có liên thông dữ liệu với Bảo hiểm xã hội, Công an thành phố để khai thác cơ sở dữ liệu dân cư.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Một số chỉ số cải cách hành chính được đánh giá ở mức độ thấp; nhiều vi phạm xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp, đất rừng tồn tại cũ chưa được xử lý dứt điểm; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa ở một số nơi còn chưa tốt...

Xây dựng, quảng bá hình ảnh Hà Nội thân thiện

Phát biểu tại Hội nghị quán triệt kỷ cương hành chính và phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 8/6, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ, trong thời gian qua, hệ thống chính trị của thành phố đã quyết tâm thực hiện tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính. Hà Nội không ngừng nâng cao vai trò nêu gương, thực hiện văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại công sở, nơi cư trú và nơi công cộng; coi đó là cốt lõi để lan tỏa, nhân rộng ra các tầng lớp nhân dân, từng bước xây dựng trật tự, kỷ cương trong xã hội.

Qua hơn hai năm thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử, nhiều mô hình hay, tấm gương điển hình tiên tiến, “những bông hoa đẹp” trong giao tiếp, ứng xử và phục vụ nhân dân đã tạo nên hình ảnh một chính quyền thành phố thân thiện, gần dân. Những tấm gương điển hình trong ứng xử cho thấy, các quy tắc này đang trở thành công cụ hữu hiệu để điều chỉnh lời nói, việc làm; khẳng định chủ trương đúng đắn của thành phố nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, trên tinh thần phục vụ nhân dân. Nét đẹp văn hóa ứng xử của người dân Thủ đô đã góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh Hà Nội thân thiện, an toàn và mến khách đối với tất cả du khách trên thế giới.

Để thực hiện hiệu quả kỷ cương hành chính và phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở, nơi công cộng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị, người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án “Văn hóa công vụ”; đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể để khắc phục ngay các tồn tại, yếu kém.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu, các đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt rộng rãi đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm Chỉ thị về “Đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố Hà Nội” gắn với việc thực hiện tốt chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2019”. Các đơn vị cần đề cao vai trò nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với việc thực hiện tốt hai bộ Quy tắc ứng xử; tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất về trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc giao tiếp ứng xử nơi công sở; tiếp tục đề ra giải pháp duy trì thứ hạng cao về cải cách hành chính; cải thiện và tăng hạng các chỉ số còn lại…

Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động