Các tỉnh ven biển miền Trung sẵn sàng lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn

Các tỉnh ven biển miền Trung thường xuyên phải đối mặt với thiên tai diễn biến bất thường, gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Vượt qua những khó khăn đó, trong những năm gần đây, sự chủ động người dân, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đạt được nhiều kết quả.
Công điện về tìm kiếm cứu nạn: Chính phủ, Thủ tướng đã và sẽ làm hết sức mình Còn 30 người mất tích, tiếp tục triển khai nhiều hướng cứu nạn Các tỉnh Bắc Bộ chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông Sinh viên Hà Nội sáng chế 3 robot cứu nạn

Quyết liệt hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người

Cũng giống như các tỉnh ven biển miền Trung khác, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp cùng với các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, rét hại; Không khí lạnh, nắng nóng, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn diện rộng.

Công tác tìm kiếm cứu nạn tại Nghệ An cũng gặp nhiều khó khăn do có địa bàn rộng, đồi núi nhiều, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nhiều vùng dễ bị chia cắt khi có thiên tai xảy ra.

Những năm qua, hầu như không năm nào Nghệ An cũng chịu thiệt hại về người do thiên tai. Do đó, cùng với việc xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, nâng cao năng lực cảnh báo cùng với tuyên truyền nâng cao nhận thức, tỉnh đặc biệt quan tâm phương án đảm bảo an toàn cho người dân ở những vùng nhạy cảm với thiên tai.

Đặc biệt là người dân tại các vùng có nguy cơ dễ chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, vùng nguy cơ sạt lở đất; những vùng hay ngập lụt, vùng ven biển cần chủ động di dời dân cư đề phòng bão lớn gây triều cường. Mỗi năm, lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn đều thực hiện diễn tập cẩn thận để có thể hoàn toàn chủ động khi mưa bão đến.

Các tỉnh ven biển miền Trung sẵn sàng lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn
Lớp tập huấn công tác phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn tại Nghệ An

Từ ngày 20 - 23/9, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An tập huấn công tác phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn. Đối tượng học viên là các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An được học tập, nghiên cứu các vấn đề tìm kiếm cứu nạn.

Ngoài được học lý thuyết, các buổi tập huấn cũng chú trọng về vận chuyển tàu, xuồng, vật chất xuống bến, thực hành hạ thủy xuồng các loại, kỹ thuật điều khiển xuồng qua các chướng ngại vật nổi, qua vòng cua hẹp, kỹ thuật điều khiển xuồng trong tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; vớt người, vật nổi lên tàu xuồng…

Những năm qua, Nghệ An cũng chú trọng công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, qua các phần mềm ứng dụng, áp phích, tờ rơi…

Đồng thời, tăng cường cung cấp thông tin; Chia sẻ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước, trong và sau thiên tai, bão, lũ… để các cấp, các ngành, Nhân dân biết, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi để chủ động thực hiện có hiệu quả các phương án ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phối hợp liên ngành trong công tác tìm kiếm cứu nạn

Tại tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm 2022, thiên tai tiếp tục bất thường, mưa lũ lớn trái mùa xảy ra đầu tháng 4, đầu tháng 5 đã gây nhiều thiệt hại trên địa bàn tỉnh.

Để giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

UBND tỉnh giao Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh rà soát kiện toàn, đảm bảo hoạt động của Ban Chỉ huy, cơ quan thường trực Ban Chỉ huy; Hướng dẫn các địa phương đảm bảo hoạt động tham mưu chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai trong mọi tình huống.

Các tỉnh ven biển miền Trung sẵn sàng lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn
Các đơn vị phối hợp triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại Quảng Nam

Ngoài ra, chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước mùa mưa lũ của các ngành, địa phương.

Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức, kỹ năng ứng phó thiên tai, triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua trong phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.

Là đơn vị chủ lực, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng tập trung nâng cao năng lực cho lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn; Tăng cường công tác huấn luyện, diễn tập nhằm nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng cho lực lượng làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân trong việc ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và ứng phó sự cố công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện, đê điều.

Đồng thời, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Đầu tư hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là khi xảy ra tình huống thiên tai, sự cố phức tạp trên biển, vùng sâu, vùng xa, bảo đảm tìm kiếm cứu nạn kịp thời.

Ngoài ra, lực lượng công an tỉnh cũng tích cực phối hợp, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, cứu trợ Nhân dân, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.

Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực cho lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; Chỉ đạo, hướng dẫn tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở, khu dân cư do tác động của thiên tai; Chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai.

Phương Thu
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động