Cả nước có gần 4 triệu Ha đất phi nông nghiệp

Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả kiểm kê với diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 3.914.508 ha.
Phát triển xanh trong nông nghiệp cần thay đổi tư duy Bộ Nông nghiệp không nhất trí với Hà Nội giữ lại 2 khu dân cư ven sông Hồng

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và công bố kết quả kiểm kê diện tích đất đai năm 2019 (tính đến ngày 31/12 /2019).

Tổng diện tích tự nhiên cả nước là 33.131.713 ha, trong đó, diện tích nhóm đất nông nghiệp là 27.986.390 ha; diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 3.914.508 ha; diện tích nhóm đất chưa sử dụng là 1.230.815 ha.

Cả nước có gần 4 triệu Ha đất phi nông nghiệp
Ảnh minh họa

Qua đó, số liệu kiểm kê diện tích đất đai năm 2019 được sử dụng thống nhất trong cả nước. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo việc công khai và cung cấp kết quả kiểm kê diện tích đất đai năm 2019 của địa phương cho các tổ chức, cá nhân để sử dụng thống nhất theo quy định.

Diện tích chi tiết từng loại đất, từng loại đối tượng sử dụng, đối tượng quản lý được thể hiện trong biểu hiện trạng sử dụng đất năm 2019 của cả nước, các vùng kinh tế - xã hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất nhằm mục đích: đánh giá thực trạng sử dụng đất đai của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, các vùng kinh tế và cả nước để làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các cấp trong 5 năm qua; đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, hiệu quả sử dụng đất…

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của số liệu kiểm kê và công bố kết quả kiểm kê đất đai 5 năm theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo cơ quan cấp dưới thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, thực hiện phân bổ nguồn lực hợp lý giữa đầu tư kinh phí và khai thác sử dụng đất đai nhằm bảo đảm quản lý hiệu quả nguồn lực đất đai của cả nước.

Đất phi nông nghiệp

Luật đất đai năm 2013 đã quy định cụ thể, đất phi nông nghiệp cũng được phân ra nhiều loại đất khác nhau tùy vào mục đích sử dụng đất. Bao gồm: Đất ở gồm đất tại nông thôn, đất ở tại đô thị; Đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp; Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; Đất sử dụng vào mục đích công cộng; Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;

Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; Đất sông ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng; đất phi nông nghiệp khác gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho, nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở.

Đất nông nghiệp

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013 thì nhóm đất nông nghiệp bao gồm: Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; Đất trồng cây lâu năm; Đất rừng sản xuất; Đất rừng phòng hộ; Đất rừng đặc dụng; Đất nuôi trồng thủy sản; Đất làm muối;

Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.

Đất chưa sử dụng

Theo Điều 158 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định đất chưa sử dụng gồm: đất bằng chưa sử dụng, đất đồi núi chưa sử dụng, núi đá không có rừng cây.

Cũng theo theo quy định tại Điều 165 Luật đất đai 2013, việc đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng phải dựa trên căn cứ bắt buộc là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở đó, UBND các cấp có kế hoạch đầu tư, khai hoang, phục hóa, cải tạo đất đế đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng.

Bên cạnh căn cứ bắt buộc nêu trên, đối với diện tích đất được quy hoạch sử dụng vào mục đích nông nghiệp thì ưu tiên giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại địa phương chưa được giao đất hoặc thiểu đất sản xuất.

Đức Mậu
Phiên bản di động