Cá nhân tự bán kit test COVID-19 có vi phạm luật không?

Nhiều người băn khoăn, mặt hàng có nhu cầu rất lớn trong thời điểm dịch bệnh bùng phát là kit test COVID-19 thì cá nhân có được bán không? Dưới đây là quan điểm của luật sư nhìn theo góc độ pháp luật hiện hành.
Ngày 4/3, cả nước ghi nhận 125.587 ca nhiễm mới COVID-19 Vĩnh Phúc tăng 2.835 ca mắc COVID-19, có 4 trường hợp nhiễm biến thể Omicron Ngày 3/3, cả nước ghi nhận 118.790 ca nhiễm mới COVID-19

Căn cứ quy định tại khoản 11, Điều 2, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, thì kit test COVID-19 là một trong những sinh phẩm y tế được dùng để chẩn đoán bệnh cho người.

Đối chiếu với quy định tại Thông tư số 47 của Bộ Y tế (2010) thì các sinh phẩm này phải được Bộ Y tế thẩm định, cho phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam. Nói cách khác, mọi trường hợp sử dụng, mua bán... các kit test COVID-19 chưa được Bộ Y tế cấp phép đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo số liệu mới nhất, tính đến 11/2, cả nước có 30 loại test nhanh kháng thể và 83 loại test nhanh kháng nguyên được Bộ Y tế cấp phép. Đối với test nhanh kháng nguyên, có 3 sản phẩm do Việt Nam sản xuất và 69 loại test nhanh nhập khẩu từ nước ngoài.

Như vậy, nếu người dân có ý định mua hàng kit test về bán phải nằm trong danh mục các loại được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Việc người dân mua về bán lại các loại này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí còn có thể bị xử lý vì vi phạm pháp luật.

Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, vi phạm này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Võ Đan Mạch, Công ty Luật TNHH Một thành viên Ta Pha: Điều 17, Nghị định 98 của Chính phủ (năm 2020) quy định, hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 50 triệu đồng. Tình tiết tăng nặng là lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh của xã hội để vi phạm hành chính (điểm g, khoản 1, Điều 10, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012).

Trường hợp người dân biết các kit xét nghiệm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh nhưng vẫn lợi dụng dịch bệnh, cố tình chào bán dù bằng hình thức trực tiếp hay online thì có thể bị xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tình tiết tăng nặng là lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội (điểm l, khoản 1, Điều 52, Bộ luật Hình sự).

Các loại kit test COVID-19 rao bán tràn lan trên mạng (ảnh minh hoạ)
Các loại kit test COVID-19 rao bán tràn lan trên mạng (Ảnh minh hoạ)

Hiện lực lượng công an, quản lý thị trường cả nước đang tập trung cao điểm để tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý và thu giữ các kit test COVID-19 do các đơn vị, cá nhân buôn bán trái phép.

Lực lượng chức năng cũng được yêu cầu rà soát kỹ các sàn thương mại điện tử, tài khoản cá nhân đăng bán mặt hàng kit test có quảng cáo "có độ chính xác cao", "hàng được cấp phép", "hàng chính hãng, đầy đủ giấy tờ"... để phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm.

Thực tế, nhiều cá nhân khi bị bắt quả tang và bị thu giữ sản phẩm kit test đều khai nhận thu gom rồi đăng qua mạng xã hội để bán lại, kiếm lời.

Trung bình, mỗi vụ việc bị phát hiện, lực lượng chức năng thu giữ hàng nghìn bộ kit test COVID-19 với giá trị lớn. Các sản phẩm đều không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.

Cá nhân tự bán kit test COVID-19 có vi phạm luật không?
Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn bắt hàng nghìn bộ kit test nghi nhập lậu ngay tại bến xe thành phố

Do đó, luật sư khuyến cáo người dân không nên mua, bán những mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Người dân trước khi muốn bán mặt hàng này phải tìm hiểu, kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin về người bán và hàng hóa trước để tránh vi phạm pháp luật.

Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động