Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bài trừ cái xấu

Chiều 31/10, tại phiên thảo luận về kinh tế- xã hội, trao đổi về giải pháp khắc phục sự phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế cũng như tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức và lối sống, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận, nhiều thách thức, bất cập, nảy sinh nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết.
Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Na Hang Tràng An - Ninh Bình: Gia tăng lượt khách, giảm tác động lên Di sản Văn hóa giao thông - “Biển báo” di động

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) đề cập những biểu hiện xuống cấp đạo đức như bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình… xảy ra ở một số địa phương. Chính phủ cũng xác định nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, tồn tại, trong đó chỉ rõ, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, chưa làm tròn, chức trách nhiệm vụ được giao.

bo truong nguyen ngoc thien xay dung moi truong van hoa lanh manh bai tru cai xau
Đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình)

Những nguyên nhân sâu xa gốc rễ của tình trạng trên còn chưa được chỉ rõ, chưa được cắt nghĩa một cách thấu đáo. Đại biểu đoàn Hòa Bình phân tích, sau những năm đất nước mở cửa thực hiện công cuộc đổi mới, một số tiêu chí về đạo đức văn hóa ít được coi trọng, giữ gìn. Trước đây, xã hội được điều tiết bởi những hệ thống giá trị văn hóa truyền thống, giúp con người sống, lao động, ứng xử có chừng mực. Những tấm gương đạo đức trước kia có tác dụng rất lớn để mọi người noi theo thì nay vị trí đó rất mờ nhạt.

Những nghề vốn được xem là cao quý như nghề y, nghề giáo cũng có những biểu hiện xuống cấp đạo đức. Nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc giờ đây bị thách thức bởi thói quen mới ra đời, từ một cuộc sống vật chất tiện nghi hơn. Xã hội hiện đại còn bị chi phối bởi đồng tiền và lợi ích vật chất. Vậy nên các giá trị văn hóa nhân văn dễ bị kinh tế làm lu mờ.

Mặt khác, tình trạng một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hư hỏng như báo cáo Chính phủ nêu cũng gây tiêu cực và làm ảnh hưởng xấu đến xã hội.

“Bên cạnh những tấm gương người tốt, việc tốt, những điều tử tế, từ chuyện trẻ nhỏ nhặt được của rơi trả lại, chuyện người dân bình thường làm việc thiện… thì lại có những cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao tham nhũng, nhận hối lộ hàng triệu đô la. Đó là bức tranh tương phản rất đáng suy ngẫm, cần phải có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục”, đại biểu Tản nói.

Trao đổi về giải pháp khắc phục sự phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế cũng như tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức và lối sống, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận, nhiều thách thức, bất cập, nảy sinh nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết.

“Giờ đây, chúng ta nói nhiều đến việc xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử văn minh công cộng, lối sống thực dụng cá nhân vị kỷ, tệ nạn, tội phạm xã hội... Rõ ràng rằng, tất cả những vấn đề đó đều là vấn đề liên quan đến văn hóa và có nguyên nhân từ văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu.

Nhấn mạnh xây dựng văn hóa hay sự phát triển con người chính là mục đích cuối cùng của mọi sự phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị - kinh tế, những thành tựu trên lĩnh vực văn hóa còn chưa tương xứng, chưa đủ tầm mức để tác động có hiệu quả đến việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh như Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương 9 khóa XI đã chỉ ra.

Để văn hóa thực sự hướng tới sự phát triển bền vững cho đất nước, theo ông Thiện, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa; xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Cùng với đó, chúng ta phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Môi trường văn hóa lành mạnh thì gia đình, nhà trường và xã hội sẽ là nơi hình thành, nuôi dưỡng, vun đắp nhân cách văn hóa và giáo dục lối sống cho con người để cái tốt, cái thiện được bảo vệ, nhân lên; cái xấu, cái ác bị lên án, bài trừ...

“Lúc sinh thời, Bác Hồ luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Bác nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa chính là hồn cốt của dân tộc, là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững của đất nước”, Bộ trưởng Thiện nhấn mạnh.

Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động