Bộ TN&MT chỉ rõ có chuyện người nước ngoài núp bóng thâu tóm đất tại Đà Nẵng

Tối 27/5, Tổng cục quản lý đất đai (Bộ TN&MT) đã có văn bản thông tin về các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất tại một số vị trí trọng yếu. Trong đó khẳng định, có sai phạm trong chuyển nhượng của công ty được giao đất không đúng quy định cho các cổ đông người nước ngoài.
Đề nghị tổng rà soát việc mua bán đất ở vị trí trọng yếu Chuyển nhượng vốn liên quan dự án 43 ha đất ở Bình Dương: Có thất thoát hàng trăm tỷ đồng tiền thuế? Nhiều dự án giao "đất vàng" giá bèo Có 21 người Trung Quốc đứng tên trong sổ đỏ tại địa bàn Đà Nẵng Đà Nẵng: Người dân kéo đến trước dự án The Sunrise Bay để đòi nhà

Văn bản của Tổng cục quản lý đất đai cho biết: Liên quan đến một số thông tin báo chí nêu về việc tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất tại các khu vực trọng yếu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong những ngày qua. Về nội dung này, từ năm 2019 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn công tác để kiểm tra, rà soát việc giao đất, cho thuê đất và tình hình sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Kết quả kiểm tra cho thấy về thủ tục giao đất cho Công ty Thương mại dịch vụ và Du lịch V.N. Holiday còn thiếu dự án đầu tư; quá trình sử dụng Công ty Thương mại dịch vụ và Du lịch V.N. Holiday đã thực hiện việc chuyển nhượng cho doanh nghiệp có vốn đầu nước ngoài là không đúng quy định; mặc dù quy hoạch khu vực các lô đất dọc sân bay Nước Mặn là đất ở nhưng doanh nghiệp nhận chuyển nhượng không có chức năng kinh doanh bất động sản theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Luật Nhà ở.

bo tnmt chi ro co chuyen nguoi nuoc ngoai nup bong thau tom dat tai da nang
Khu đất ven tường rào sân bay Nước Mặn ở Đà Nẵng. Ảnh: Theo VnExpress

Ngoài ra, một số khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh trong quá trình giao đất, cho thuê đất Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng chưa tranh thủ ý kiến các cơ quan về quốc phòng, an ninh và ngoại giao (các trường hợp này được giao đất, cho thuê đất trước thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành), ngoài ra trong quá trình sử dụng đất các đối tượng đã thực hiện việc chuyển nhượng vốn đầu tư (trong đó có giá trị quyền sử dụng đất) để thay đổi tỷ lệ góp vốn của các cổ đông trong nước và nước ngoài

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc trực tiếp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và đại diện các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng liên quan đến nội dung sử dụng đất của tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đồng thời đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng xử lý các trường hợp sử dụng đất ở không đúng đối tượng, đến nay Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo, xử lý giải quyết đối với các trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở không đúng đối tượng dọc theo sân bay Nước Mặn. Đối với các trường hợp liên doanh, liên kết các đối tượng nước ngoài góp vốn đã chuyển nhượng phần vốn góp cho đối tượng là người Việt Nam.

Pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự và pháp luật khác có liên quan chỉ công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với các trường hợp sử dụng đất hợp pháp. Đối với người nước ngoài mượn pháp nhân hoặc thể nhân để đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (núp bóng) là vi phạm pháp luật và không được pháp luật bảo hộ.

Tổng cục quản lý đất đai chỉ rõ 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm đất trọng yếu về an ninh, quốc phòng.

Cụ thể là: Do hầu hết các trường hợp được giao đất, cho thuê đất được thực hiện trong giai đoạn pháp luật đất đai không có quy định việc lấy ý kiến các cơ quan về quốc phòng, an ninh và ngoại giao; Pháp luật đầu tư cho phép các doanh nghiệp nhận, chuyển nhượng vốn đầu tư; Chưa có cơ chế kiểm soát dòng tiền đầu tư; Công tác kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng đất chưa chặt chẽ.

Việc cá nhân nước ngoài mượn pháp nhân hoặc thể nhân để đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (như thông tin vừa qua) thì cần phải làm rõ về động cơ, về dòng tiền đầu tư và Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền tại địa phương phải có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn.

Bộ TN&MT cũng đã nêu ra 7 giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng nhà đầu tư nước ngoài núp bóng để thâu tóm đất đai ở các vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng.

Các giải pháp này bao gồm: Quy hoạch các khu vực trọng yếu, nhạy cảm có liên quan đến quốc phòng, an ninh cần được tính toán trước một bước nhằm xác định khu vực, phạm vi, giới hạn để thực hiện các dự án đầu tư cũng như những khu vực hạn chế quyền tiếp cận và giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài;

Nghiên cứu xem xét, bổ sung sửa đổi vào Luật Đầu tư, Luật Hôn nhân và Gia đình các quy định để khi đầu tư vào khu vực này phải được kiểm soát chặt chẽ về đối tượng và dòng tiền đầu tư để ngăn chặn các hình thức mượn pháp nhân hoặc thể nhân thay thế yếu tố nước ngoài;

Thực hiện nghiêm túc chính sách, pháp luật đất đai trong việc giao đất, cho thuê đất tại các khu vực trọng yếu về quốc phong, an ninh;

Xác định cụ thể các tiêu chí về quốc phòng, an ninh xuyên suốt và thống nhất giữa các pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư…, nhưng đồng thời không cản trở việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội;

Cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối liên thông giữa cơ quan quản lý đầu tư và cơ quan quản lý đất đai để kịp thời theo dõi việc thay đổi vốn chủ sở hữu nhằm quản lý chặt chẽ quyền của người sử dụng đất gắn với nguồn vốn đầu tư;

Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các hoạt động ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đối tượng để nâng cao cảnh giác, không để bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia;

Tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân trong việc thực thi các quy định của pháp luật đất đai nói chung và các quy định của pháp luật liên quan đến yếu tố nước ngoài nói riêng.

PV
Phiên bản di động