Bộ sách giáo khoa Cánh Diều tiếp tục làm “nóng” phiên thảo luận của Quốc hội

Sáng 4/11, những sai sót trong sách giáo khoa lớp 1 bộ sách Cánh Diều tiếp tục được các đại biểu Quốc hội đưa ra bàn luận.
Công bố giá 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới Ra mắt bộ SGK mới có đầy đủ tất cả các môn học bắt buộc Bộ Giáo dục công bố các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới vào ngày 22/11 Lùi thời gian công bố sách giáo khoa mới

Lỗi trong sách giáo khoa chỉ có “sai” hoặc “đúng”

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) nêu quan điểm: “Muốn biên soạn bộ sách hoàn chỉnh, trước hết phải có sẵn hoặc xây dựng hệ thống khoa học chuẩn chỉnh nhưng chúng ta lại cuốn chiếu từng giai đoạn, chỗ nọ có thể phá vỡ chỗ kia. Không riêng gì một bộ sách mà cả 5 bộ sách đều dính vào các lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, về bản quyền, ngữ điệu. Mà lỗi trong sách giáo khoa chỉ có sai hoặc đúng chứ không có lỗi nội dung chưa phù hợp”.

Với quan điểm như vậy, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền chỉ rõ, đây là “lỗi quy trình thẩm định phát hành sách còn lỏng lẻo, dễ dãi đến khó tin và đùn đẩy trách nhiệm như một trận đá bóng không có trọng tài; Khi xảy ra sự cố thì thật đáng khó hiểu và không thể hài lòng cư xử”.

Giá trị sách giáo khoa khác hoàn toàn sản phẩm hàng hóa thông thường. Nếu tiếp nhận một bộ sách như một lớp chắp vá để tiếp tục vận hành, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho rằng “đó là thỏa hiệp nguy hại, xem nhẹ giá trị nhân văn trong sáng của Tiếng Việt mà rất cần truyền dạy một cách thấu hiểu tận tâm với đứa trẻ vừa bước qua mầm non”.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền mong các cơ quan, bộ phận có trách nhiệm cần nhìn thẳng sự thật, có thể cân nhắc cho việc sử dụng những bộ sách giáo khoa có chất lượng thấp, còn thiếu thì nên lùi thời gian lại để hoàn thiện chặt chẽ hơn về mọi mặt.

Đại biểu Bùi Văn Phương nêu ý kiến thảo luận
Đại biểu Bùi Văn Phương nêu ý kiến thảo luận

Nhấn mạnh tính đúng đắn của chủ trương về sách giáo khoa mới, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nhìn nhận trong năm đầu tiên thực hiện thì việc xuất hiện một số sai sót là khó tránh và đề nghị các đại biểu có cái nhìn chia sẻ, cùng chung sức với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thực hiện thành công chủ trương này.

Đồng quan điểm này, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng sách lớp 1 đúng là có lỗi, có sạn nhưng không đến mức phải chuyển cơ quan điều tra để xác định trách nhiệm các bên liên quan như đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) nêu trong phiên thảo luận ngày 3/11.

"Chất lượng sách giáo khoa mới như chiếc áo dài, phải đẹp và tốt hơn"

Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có những chia sẻ xung quanh các ý kiến đại biểu về nội dung này trong hai ngày qua.

Phó Thủ tướng cho biết thời gian qua đã trực tiếp lắng nghe ý kiến các tầng lớp Nhân dân, chuyên gia, đại biểu về vấn đề này.

“Tất cả các ý kiến đều rất tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn góp ý cho ngành Giáo dục và Đào tạo làm sao có một bộ sách giáo khoa chất lượng, phục vụ đổi mới giáo dục”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Về bộ sách Cánh Diều bị dư luận phản ứng, Phó Thủ tướng cho biết qua các cuộc làm việc xác định là có lỗi và nhấn mạnh “lỗi này cần phải tiếp thu cầu thị, khoa học”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu làm rõ các vấn đề đại biểu nêu
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên thảo luận

“Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GĐ&ĐT và cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phải hết sức lưu ý, bởi những sai sót đó có thể tránh được nên chúng ta phải rút kinh nghiệm nghiêm túc. Trong các cuộc họp nội bộ, chúng tôi dùng từ nghiêm túc và nghiêm khắc, để quy trình biên soạn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 tới đây không để xảy ra tình trạng này”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ ví chương trình sách giáo khoa mới như quy định mặc áo dài. Trước đây quy định sách giáo khoa như áo dài đồng phục một màu một kiểu. Nay một chương trình nhiều bộ sách khoa là quy định chỉ cần áo dài, còn màu sắc, chất liệu, kiểu dáng… khác nhau.

"Nhìn vào phải thấy ngay đó là chiếc áo dài, về kiểu dáng, chất liệu phải đẹp hơn áo dài một kiểu trước đây. Vì thế, dù là một hay nhiều bộ sách thì chất lượng phải tốt hơn trước", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh và cho rằng trách nhiệm này là của Bộ GD&ĐT song không thể hoàn thành nếu không có sự đóng góp của chuyên gia, giáo viên và đặc biệt là toàn thể Nhân dân.

Phê bình Bộ GD&ĐT có nhiều việc đã không thông tin kịp thời, không trao đi đổi lại một cách cần thiết, Phó Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT phải đưa bản thảo sách giáo khoa mới lên mạng internet sớm để xin ý kiến các tầng lớp Nhân dân, chắt lọc ý kiến đúng để tiếp thu, ý kiến nào chưa đúng thì giải thích lại để toàn xã hội đồng thuận.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động