Bộ Công thương duyệt giá mua điện của 15 nhà máy năng lượng tái tạo

Bộ Công thương đã phê duyệt giá mua điện tạm thời của 15 nhà máy năng lượng tái tạo sau quá trình đàm phán với EVN. Các nhà máy này đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý, kỹ thuật để sớm hòa lưới điện quốc gia.
Đề xuất sớm có hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát điện lên lưới Thủ tướng: Việt Nam ưu tiên năng lượng tái tạo, sẽ thí điểm mua bán điện trực tiếp Quy hoạch điện VIII: Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư năng lượng tái tạo

Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), trong số 15 nhà máy trên, có 3 nhà máy điện mặt trời, 7 nhà máy điện gió trên đất liền và 5 nhà máy điện gió trên biển.

Bên cạnh đó, 6 nhà máy khác đã được thống nhất mức giá tạm thời, dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Công thương phê duyệt trong tuần tới.

Hiện vẫn còn 48/85 nhà máy điện chuyển tiếp chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ đàm phán đến EVN, 11 hồ sơ vẫn tiếp tục phải bổ sung và hoàn thiện.

Bộ Công thương duyệt giá mua điện của 15 nhà máy năng lượng tái tạo
Ảnh minh họa

Theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp đối với điện mặt trời mặt đất là 1.184,9 đồng/kWh; điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh; điện gió trong đất liền 1.587,12 đồng/kWh; điện gió trên biển 1.815,95 đồng/kWh.

Mức giá trần này thấp hơn so với giá FIT ưu đãi 20 năm trước đây. Mức giá tạm tính sẽ nằm trong khung giá này.

Bộ Công thương cho biết, mức giá tạm tính do các bên thống nhất sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để chủ đầu tư các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp và EVN triển khai các thủ tục đưa các nhà máy vào vận hành phát điện.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo, Bộ Công thương yêu cầu EVN và các chủ đầu tư khẩn trương ký kết hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện chuyển tiếp theo phương án giá điện tạm thời, hoàn thành các thủ tục pháp lý, yêu cầu kỹ thuật để đưa các nhà máy hòa lưới điện quốc gia trong bối cảnh nguồn cung điện đang gặp khó khăn.

Để có thể huy động các nhà máy điện nói chung và các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp nói riêng vào vận hành phát điện lên lưới quốc gia, dự án phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy…

Luật Điện lực hiện hành quy định các dự án điện trước khi được đưa vào khai thác phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên đến nay, chỉ có 16/85 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp (18,8%) đã được cấp giấy phép này. Ngoài ra, 12 nhà máy khác đã được chủ đầu tư nộp hồ sơ và đang hoàn thiện hồ sơ, đang được Bộ Công Thương thẩm định.

Tuần tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phê duyệt thêm giá tạm tính cho 6 nhà máy đã được chủ đầu tư và EVN thống nhất giá tạm tính, Cục Điều tiết điện lực thông tin.

Khánh Khoa
Phiên bản di động