Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Quyết tâm mở không gian phát triển mới cho vùng Thủ đô

Triển khai dự án đường vành đai 4 sẽ khẳng định vị trí trung tâm Vùng Thủ đô của Hà Nội và đưa vùng đi đầu trong phát triển kinh tế, xã hội.
Hà Nội thực hiện hiệu quả các chương trình, Nghị quyết, tạo nền tảng vững chắc cho nhiệm kỳ tiếp theo Tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Nhiệm vụ được giao là vinh dự, trách nhiệm lớn

Chiều 6/5, phát biểu kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải; Thường trực các Tỉnh ủy Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang để thống nhất về định hướng, quy hoạch, phương án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết: Cuộc làm việc đã thể hiện sự nhất trí cao giữa TP Hà Nội với các tỉnh và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về sự cần thiết, quyết tâm sớm trình cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội để kết nối đồng bộ, tăng cường năng lực, giải phóng ùn tắc giao thông; Đồng thời mở rộng không gian phát triển, khai thác các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng Thủ đô.

Bí thư Thành  ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu mở đầu hội nghị
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

Hội nghị đã tập trung thảo luận về định hướng, chủ trương, phương án quy hoạch và đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô; Thống nhất, về quan điểm chung, tổ chức triển khai đầu tư khép kín toàn bộ tuyến đường vành đai 4 theo hình thức đầu tư hỗn hợp gồm: Đầu tư công và phương thức PPP, loại hợp đồng BOT và đề xuất đưa vào danh mục công trình giao thông trọng điểm quốc gia để tập trung chỉ đạo; Tổ chức nghiên cứu cập nhật, bổ sung, điều chỉnh, hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết thành phần đường cao tốc đi trên cao của tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô vào đồ án quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ GTVT đang tổ chức lập; Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia vành đai phía Tây theo hướng đi trên cao và cập nhật vào quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia quy hoạch đường sắt khu đầu mối thành phố Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ GTVT đang tổ chức lập.

Về quy hoạch, hội nghị thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh bổ sung phương án thành phần đường cao tốc trên cao thay cho việc đi bằng như quy hoạch hiện nay; Đồng thời nghiên cứu đầu tư mới và nâng cấp đoạn đi trùng quốc lộ 18 (phía Bắc sân bay Nội Bài) để khép kín tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Đình Tiến Dũng cho biết, thành phố Hà Nội với vai trò là trung tâm, hạt nhân của vùng Thủ đô sẽ chủ trì, phối hợp cùng các địa phương có tuyến đi qua tổ chức nghiên cứu, triển khai đầu tư toàn tuyến; Trong đó các địa phương có tuyến đi qua chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách, tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn theo thực tiễn của từng địa phương; Tách công tác đền bù giải phóng mặt bằng thành các dự án riêng (tương tự như dự án sân bay Long Thành)

Về lựa chọn nhà đầu tư, các địa phương thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận giao TP Hà Nội là cơ quan đầu mối thay mặt cho các địa phương chủ trì tổ chức triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực và kinh nghiệm triển khai dự án và đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Về phương án tài chính, thống nhất đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ cấu nguồn vốn hợp lý, cơ chế tài chính đặc thù để đảm bảo tính khả thi của dự án, cũng như lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp để triển khai dự án, nâng cao vai trò, trách nhiệm của trung ương và các địa phương có dự án đi qua trong việc bố trí nguồn lực; Kiến nghị với trung ương hỗ trợ kinh phí hợp lý cho các địa phương để triển khai dự án, đặc biệt là để tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tuyến đường...

Lãnh đạo Bộ GTVT, TP Hà Nội và các tỉnh ký biên bản hợp tác
Lãnh đạo Bộ GTVT, TP Hà Nội và các tỉnh ký biên bản hợp tác

Hội nghị thống nhất giao UBND thành phố Hà Nội phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Tờ trình và ký đồng trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan của các tỉnh, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các cục, vụ, đơn vị liên quan của Bộ GTVT tập trung triển khai quyết liệt các nội dung với tinh thần khẩn trương, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án.

“Với tinh thần đó, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ sớm hoàn thành tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô trong giai đoạn tới, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng mở ra không gian phát triển và tạo động lực để đẩy mạnh liên kết vùng trên tất cả các lĩnh vực; Góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố đã đề ra”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Trước đó, các ý kiến phát biểu tại hội nghị mong muốn dự án đường vành đai 4 sớm được triển khai để tạo dư địa và không gian phát triển cho các tỉnh, thành. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhất trí cao với đề xuất của thành phố Hà Nội, ý kiến của lãnh đạo các tỉnh và khẳng định: Bộ sẵn sàng hỗ trợ hết sức về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm và giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan trong theo thẩm quyền.

Đồng chí Nguyễn Văn Thể cho rằng, để dự án triển khai thuận lợi, nên giao cho thành phố Hà Nội làm tổng chỉ huy đầu tư xây dựng; Đối với công tác giải phóng mặt bằng, mỗi tỉnh chủ động thực hiện phần việc theo địa bàn của địa phương mình.

Bộ trưởng Bộ GTVT ủng hộ phương án đầu tư đường cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến (tổng mức đầu tư 135.000 tỷ đồng), mặc dù cao hơn phương án cao tốc đi bằng 20.000 tỷ đồng nhưng công năng sử dụng, ý nghĩa lâu dài và hiệu quả đầu tư cao hơn.

Tại hội nghị, Bộ GTVT và các tỉnh, thành phố đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác và Tờ trình chung của TP Hà Nội với 4 tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động