Bầu cử Mỹ: Trump và Biden “chĩa mũi nhọn” vào Trung Quốc để giành lợi thế

Tổng thống Trump và ứng cử viên Joe Biden liên tục tung ra những đòn đáp trả nhau về vấn đề Trung Quốc để cạnh tranh sự ủng hộ của cử tri.
Bầu cử Mỹ năm 2020 liệu có lặp lại kịch bản năm 2016? Bầu cử Mỹ: Ông J. Biden cam kết đưa Mỹ tái gia nhập WHO nếu thắng cử Bầu cử Mỹ 2020: Vì sao Trung Quốc muốn Trump tiếp tục là Tổng thống?

Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành vấn đề hàng đầu trong cuộc bầu cử Mỹ khi Tổng thống Trump và ứng cử viên Tổng thống Biden tranh cãi về việc ai là người có quan điểm cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.

bau cu my trump va biden chia mui nhon vao trung quoc de gianh loi the
Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden. Ảnh:AP.

Ông Frank Luntz, chuyên gia bầu cử của đảng Cộng hòa nhận định: “Tôi nghĩ vấn đề này sẽ rất quan trọng nhưng tôi không biết ai sẽ có lợi thế”. Theo ông Frank Luntz, chính sách với Trung Quốc sẽ là một trong 3 vấn đề quan trọng nhất, cùng với việc phục hồi nền kinh tế và cách đối phó dịch bệnh Covid-19 trong cuộc bầu cử sắp tới.

Nhiều cử tri sẽ hỏi liệu ông Trump hay ông Biden sẽ là người bảo vệ tốt nhất cho Mỹ trước sự cạnh tranh của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, thương mại, kinh tế, quân sự.

“Ứng cử viên nào trông có vẻ cởi mở hơn với các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ bị cho là người không đáng tin cậy”, chuyên gia Frank Luntz nói.

Chiến lược của ông Trump

Khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng khắp nước Mỹ, một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện hồi tháng 3 cho thấy, người Mỹ ngày càng có quan điểm tiêu cực đối với Trung Quốc, với 66% nói rằng họ không ủng hộ Bắc Kinh. Đây là đánh giá tiêu cực nhất kể từ khi cuộc khảo sát ý kiến tương tự được thực hiện vào năm 2005.

Theo một cuộc thăm dò khác, 62% người Mỹ tin rằng sức mạnh và sự ảnh hưởng của Bắc Kinh đã hợp thành mối đe dọa lớn đối với Washington, trong khi con số này cách đây 2 năm là 48%.

Kết quả cuộc thăm dò do NBC News phối hợp với Wall Street Journal thực hiện vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2020 cho thấy, không có sự cách biệt nhiều trong đánh giá của các cử tri về việc ứng cử viên nào sẽ đối phó tốt hơn với Trung Quốc. Trong khi 43% cử tri ủng hộ ông Trump thì 40% ủng hộ ông Biden, 5% xem cả hai nhân vật này cứng rắn như nhau và 10% đánh giá cả 2 đều đối phó không tốt.

Các cố vấn của Tổng thống Trump từng tận dụng cơ hội để chỉ trích Biden là người bảo vệ Bắc Kinh khi ông giữ chức Phó Tổng thống dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama. Ông Trump cũng cáo buộc ông Biden và con trai, ông Hunter, tham nhũng trong các giao dịch chính trị và kinh doanh của họ ở Ukraine và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, đội ngũ tranh cử của ông Trump đã hoàn thành một chiến dịch quảng cáo vào tháng 5/2020 nhằm chứng minh cựu Phó Tổng thống mới là người có quan điểm mềm mỏng với Bắc Kinh, nhưng nỗ lực này đạt rất ít hiệu quả trong việc giúp gia tăng tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump trong các cuộc thăm dò dư luận.

Nhà Trắng đã liệt kê hơn 20 hành động mà chính quyền Tổng thống Trump thực hiện kể từ tháng 4/2020 để bảo vệ công ăn việc làm của người dân Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp và chuỗi cung ứng của Mỹ bị ảnh hưởng do chính sách của Trung Quốc.

Trước đó, chính quyền ông Trump liên tục công kích Trung Quốc về cách xử lý dịch bệnh, nghi ngờ số liệu mà nước này đưa ra và chỉ trích yêu sách chủ quyền phi pháp và hành vi đe dọa tự do hàng hải của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Chưa hết, ông Trump cùng một số quan chức trong chính quyền đang kêu gọi các đồng minh nước ngoài tham gia chiến dịch gây sức ép đối với Bắc Kinh.

Chính quyền ông Trump cũng coi việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu với Trung Quốc hồi tháng 1 vừa qua là “một thành tựu thương mại”, đã khiến thị trường chứng khoán khởi sắc và giúp hạ nhiệt cuộc chiến thương mại giữa 2 bên.

Trả lời phỏng vấn Fox News, Cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Trump Peter Navarro nhấn mạnh: “Trung Quốc về cơ bản đã tấn công nước Mỹ bằng loại virus nguy hiểm và phá vỡ nền kinh tế Mỹ”.

Ông Peter Navarro cáo buộc Bắc Kinh đã sử dụng các ứng dụng mạng xã hội như TikTok để đánh cắp tài sản trí tuệ của người dân Mỹ như một phần của kế hoạch làm tổn thương Tổng thống vì ông có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.

“Nếu như ông Trump ủng hộ mua hàng Mỹ thì Joe Biden ủng hộ mua hàng Trung Quốc”, ông Navarro nhấn mạnh.

Tung ra chiến lược nói trên, đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump tin tưởng họ có thể nhận được sự ủng hộ của một số lượng lớn cử tri Mỹ- những người có quan điểm không ủng hộ Trung Quốc. Hiện nay, đang gia tăng mối lo ngại về sự phụ thuộc của Mỹ vào các nguồn cung từ Trung Quốc, trong đó phải kể đến thuốc men và trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế Mỹ trong cuộc chiến chống Covid-19.

Joe Biden “phản đòn”

Đội ngũ tranh cử của ông Biden đã phản ứng nhanh với đòn chỉ trích của Tổng thống Trump, mô tả nhà lãnh đạo Mỹ là người cứng rắn trong các cuộc đối thoại nhưng lại thất bại khi buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho các thiệt hại vì dịch bệnh Covid-19, đồng thời đặt câu hỏi về tính hiệu quả của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Theo thỏa thuận Trung Quốc cam kết mua 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ, đặc biệt là nông sản như đậu nành và thịt heo. Song đến nay Bắc Kinh vẫn chưa thực thi đầy đủ cam kết với phía Mỹ. Nhiều chuyên gia kinh tế thực ra đã sớm xem lời hứa này là không thực tế.

“Ông Trump nói ông ấy cứng rắn với Trung Quốc nhưng thực tế ông ấy không hề cứng rắn”, một thành viên trong đội ngũ của Joe Biden cho biết.

Bên cạnh đó, phe Joe Biden cũng chỉ trích cách đối phó dịch Covid-19 của Tổng thống Trump. “Tổng thống Trump nói dịch Covid-19 sẽ biến mất vào tháng 4 và giờ là tháng 7, số ca mắc và ca tử vong vẫn không ngừng gia tăng”.

Đội ngũ tranh cử của ông Biden cũng khai thác những tiết lộ được công bố trong cuốn sách mới của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, cáo buộc Tổng thống Trump kêu gọi Chủ tịch Tập Cận Bình gia tăng mua hàng hóa nông nghiệp Mỹ để giúp ông giành được sự ủng hộ của các bang nông nghiệp trong cuộc bầu cử tháng 11/2020.

Chưa hết, ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ còn cho rằng ông Trump đã làm suy yếu quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh, rút Washington ra khỏi các tổ chức quốc tế khiến Bắc Kinh có nhiều cơ hội hơn để mở rộng ảnh hưởng của họ. Các quan chức phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Biden cho biết, nếu chiến thắng, ứng cử viên này sẽ khôi phục quan hệ với các đồng minh của Mỹ và tập hợp cộng đồng quốc tế để thành lập một mặt trận thống nhất đối phó với Trung Quốc.

Jeff Prescott – cố vấn chính sách đối ngoại của ông Biden cho biết: “Điều làm tôi ngạc nhiên là đội ngũ tranh cử của ông Trump nghĩ rằng Trung Quốc sẽ là vấn đề mang lại chiến thắng cho họ. Trên thực tế, Tổng thống Trump đã phớt lờ những cảnh báo sớm về dịch bệnh để thực hiện thỏa thuận thương mại với ông Tập Cận Bình, sau đó ca ngợi nhà lãnh đạo Trung quốc, ca ngợi cách đối phó dịch bệnh của Trung Quốc và theo đuổi một thỏa thuận thương mại vốn rất mong manh”.

Theo CNN, quan hệ Mỹ-Trung Quốc được cho là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến các phương diện có thể định hình nền chính trị Mỹ, trong đó phải kể đến tình hình kinh tế tại những bang chiến địa ở Trung Tây, vị thế của Mỹ ở châu Á… Dù bất cứ ai chiến thắng trong một cuộc đối đầu chính trị về Trung Quốc thì vẫn có một sự thật không thể phủ nhận là quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh sẽ làm suy yếu mối quan hệ an ninh, kinh tế, ngoại giao mà các chuyên gia cho là quan trọng nhất trên thế giới này.

Nguồn: VOV
Phiên bản di động