Bất động sản tuần qua: Vingroup muốn làm công viên rừng 650ha

Vingroup đề xuất đầu tư dự án công viên rừng rộng 650ha tại Hạ Long; Hải Dương chưa quyết về chủ trương cho dự án của Xuân Trường... là những thông tin bất động sản nổi bật trong tuần qua.
Bất động sản tuần qua: Quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí diện tích xây nhà ở cho công nhân Thanh Hóa mời gọi nhà đầu tư dự án khu dân cư mới hơn 600 tỷ đồng Yêu cầu áp dụng vốn chủ sở hữu với doanh nghiệp đầu tư bất động sản

Vingroup đề xuất đầu tư dự án công viên rừng rộng 650ha tại Hạ Long

Phòng Quản lý đô thị TP Hạ Long cho biết Tập đoàn Vingroup vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Hạ Long xem xét cho phép đơn vị này được nghiên cứu quy hoạch, đầu tư dự án công viên rừng Hạ Long tại khu vực phía bắc Quốc lộ 18A thuộc các phường Hà Khẩu, Đại Yên với quy mô khoảng 650ha.

Bất động sản tuần qua: Vingroup muốn làm công viên rừng 650ha
Vị trí dự án công viên rừng Hạ Long.

Theo đó, khu vực được đề xuất làm công viên rừng Hạ Long nằm đối diện với dự án khu phức hợp Hạ Long Xanh (do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư).

Hiện khu vực này là đồi núi, cây xanh nhưng khu vực chân núi, mặt đường Quốc lộ 18A bị tác động bởi hoạt động khai thác đất nên cảnh quan xấu, nguy cơ sạt lở cao, trong khi đây lại là cửa ngõ ra vào TP Hạ Long.

Dự án có mục tiêu xây dựng một khu công viên rừng công cộng để người dân TP Hạ Long và khách du lịch có thêm điểm dừng chân, nghỉ ngơi với môi trường xanh sạch đẹp, đồng thời tạo cảnh quan đẹp nổi bật, đồng bộ với dự án khu phức hợp Hạ Long Xanh và tương xứng với cảnh quan thiên nhiên của Vịnh Hạ Long.

Vingroup đề xuất khởi công thực hiện dự án công viên rừng Hạ Long trong năm 2022 và hoàn thành trong năm 2023.

Được biết, hiện Phòng Quản lý đô thị TP. Hạ Long đang nghiên cứu để tham mưu UBND thành phố xem xét đề nghị của Vingroup.

Hải Dương chưa quyết về chủ trương cho dự án của Xuân Trường

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề xuất ý tưởng phương án tôn tạo, xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long với tổng diện tích 2.000ha. Nếu được đưa vào khai thác, khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long sẽ góp phần cải tạo mỹ quan khu vực, là điểm kết nối, làm nổi bật Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc và đón khoảng 10 triệu khách mỗi năm.

Bất động sản tuần qua: Vingroup muốn làm công viên rừng 650ha
Ảnh minh họa.

Về đề xuất của ông Nguyễn Văn Trường, phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhất quán quan điểm thu hút đầu tư đồng bộ vào Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 với mục tiêu tôn tạo trở thành khu vực tâm linh gắn với du lịch có tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Ông Phạm Xuân Thăng cũng ghi nhận ý tưởng quy hoạch khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long có tầm cỡ, định hướng tạo ra các giá trị mới dựa trên những giá trị lịch sử, văn hóa, sinh thái, tâm linh vốn có của TP Chí Linh và phù hợp định hướng phát triển của tỉnh; lấy mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, môi trường, tôn tạo, phát huy các giá trị vật thể và phi vật thể để phát triển bền vững.

Cùng với đó, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư của Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường; xem xét nghiên cứu đề xuất quy hoạch của Tập đoàn Sun Group để phân tích rõ những ưu điểm của từng phương án và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, chấp thuận phương án tối ưu.

Giá trị bất động sản toàn cầu cao gấp gần 4 lần GDP

Savills Việt Nam vừa công bố số liệu mới nhất về tổng giá trị của loại hình bất động sản trên quy mô toàn thế giới trong giai đoạn 2020-2021. Nhìn chung, đơn vị cho biết bất động sản được xem là kho lưu trữ của cải lớn nhất thế giới, và trong thời gian gần đây, phân khúc nhà ở đã nâng giá trị của bất động sản toàn cầu lên một tầm cao mới.

Giá trị của tất cả loại hình bất động sản trên toàn thế giới đã đạt mức cao kỷ lục với 326,5 nghìn tỷ USD vào năm 2020, tăng 5% so với năm 2019. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ bất động sản nhà ở, đây cũng là phân khúc bất động sản chiếm tỷ trong lớn nhất, tương đương 79% tổng giá trị bất động sản toàn cầu. Giá trị của bất động sản nhà ở trong năm vừa qua tăng 8%, đạt mức 258,5 nghìn tỷ USD.

Là kho lưu trữ của cải quan trọng nhất trên thế giới, giá trị bất động sản toàn cầu cao hơn giá trị gộp của chứng khoán và trái phiếu, và gấp gần 4 lần GDP toàn cầu. Giá trị của tất cả các mỏ vàng được khai thác hiện nay khoảng 12,1 nghìn tỷ USD, chỉ chiếm 4% giá trị bất động sản toàn cầu.

Theo số liệu của Savills, Trung Quốc với dân số hơn 1,4 tỷ người là thị trường nhà ở có giá trị nhất thế giới và chiếm tới 30% tổng giá trị toàn cầu. Tổng giá trị nhà ở tại đây đã tăng 13% vào năm 2020 do giá cả tăng mạnh cùng với sự ra mắt các nguồn cung mới. Theo sau là thị trường Mỹ, chiếm 11% tổng giá trị bất động sản nhà ở của thế giới.

Theo số liệu ghi nhận, 10 quốc gia bao gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Canada, Ý và Úc, chiếm 75% tổng giao dịch nhà ở toàn cầu. Những bất động sản có giá trị cao tập trung nhiều ở châu Âu và Bắc Mỹ, chiếm 43% tổng giá trị toàn cầu, mặc dù số dân ở đây chỉ chiếm 17% dân số thế giới.

Trong khi Covid-19 đã khiến nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ thì bất động sản nhà ở tại Việt Nam vẫn là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Hơn 4.000 tỷ xây dựng Khu cảng cạn và dịch vụ Logistics tại Bắc Ninh

Dự án đầu tư xây dựng Khu cảng cạn và dịch vụ Logistics tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh và xã Đông Phong, huyện Yên Phong.

Dự án có diện tích khoảng 87,1ha, trong đó: Khu cảng cạn khoảng 18,2ha; khu dịch vụ logistics khoảng 39,8ha...sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án 4.225 tỷ đồng.

Bất động sản tuần qua: Vingroup muốn làm công viên rừng 650ha
Ảnh minh họa.

Mục tiêu đầu tư xây dựng khu cảng cạn và dịch vụ có chức năng tích hợp của Trung tâm phân phối dịch vụ Logistics và cảng cạn để phục vụ cho hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường.

Các công trình và hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ theo Quy hoạch chi tiết được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt tại Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 05/4/2021.

Thời hạn thực hiện dự án 50 năm kể từ ngày được giao đất. Tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án đưa vào sử dụng năm 2028.

"Đại gia" Thái, Nhật, Hàn muốn hợp tác đầu tư 2 khu công nghiệp 1.400ha ở Quảng Ninh

Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh mới đây, Tập đoàn Amata và các đối tác đã báo cáo ý tưởng đầu tư phát triển các dự án khu công nghiệp trong phạm vi khu phức hợp đô thị công nghiệp công nghệ cao thuộc Khu kinh tế ven biển Quảng Yên.

Theo báo cáo, tập đoàn này sẽ phối hợp với Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Tập đoàn GS (Hàn Quốc) mong muốn đầu tư phát triển 2 dự án khu công nghiệp trong phạm vi khu phức hợp đô thị công nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, khu công nghiệp do Tập đoàn Marubeni đề xuất có diện tích 724ha; khu công nghiệp do Tập đoàn GS đề xuất có diện tích 676ha.

Trong 2 khu công nghiệp này có đầy đủ các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo phục vụ công nhân trong khu công nghiệp và người dân khu vực lân cận.

Những đối tượng nào được giảm 30% tiền thuê đất năm 2021?

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đối tượng áp dụng là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm (người thuê đất).

Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Quyết định quy định giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với người thuê đất quy định ở trên; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2021 và tiền chậm nộp (nếu có).

Mức giảm tiền thuê đất quy định ở trên được tính trên số tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 theo quy định của pháp luật. Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp sau khi đã được giảm theo quy định của pháp luật.

Hà Tĩnh phê duyệt ĐTM cho khu đô thị mới Xuân Thành 550 tỷ của SCTI Group

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đã ký quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án Khu đô thị mới Xuân Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 550 tỷ do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Harumi (thành viên của SCTI Group) làm chủ đầu tư tại huyện Nghi Xuân.

Bất động sản tuần qua: Vingroup muốn làm công viên rừng 650ha
Ảnh minh họa.

Dự án Khu đô thị mới Xuân Thành được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 vào tháng 4/2020. Tổng diện tích quy hoạch là 116ha tại 2 xã Xuân Thành (63,40ha) và xã Cổ Đạm (53,14ha) thuộc huyện Nghi Xuân và được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng tại xã Xuân Thành với tổng diện tích 45,5ha. Trong đó, sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ phần kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, xây dựng trung tâm đào tạo nghề cho lao động với quy mô 400 học viên, nhà đa năng trên diện tích 4.024m2. Tổng mức đầu tư gần 550 tỷ đồng, trong đó, chi phí thực hiện dự án 424,3 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 125,2 tỷ đồng. Dự án sẽ được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP. Thời gian thực hiện 60 tháng kể từ ngày hợp đồng thực hiện dự án có hiệu lực.

Hoàng Duy
Phiên bản di động