Bao giờ ‘nút thắt’ tại Eximbank mới được tháo gỡ?

Những rối ren giữa các cổ đông tại Eximbank sau nhiều năm vẫn chưa được tháo gỡ, đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến các phiên họp thường niên của ngân hàng này liên tục không thành công.
Eximbank: Mâu thuẫn cổ đông, nợ xấu tăng cao Đại hội đồng cổ đông Eximbank lại bất thành

Mới đây, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 lần thứ 2 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sáng 29/7/2020 lại bất thành khi chỉ có sự tham gia của 142 cổ đông, đại diện cho 42,56% vốn điều lệ Eximbank, thấp hơn mức quy định tối thiểu 51% để cuộc họp lần 2 có thể tổ chức.

Việc phiên họp thường niên của Eximbank tiếp tục không thành công là không quá bất ngờ, khi nhóm cổ đông "tẩy chay" không có mặt. Nhóm này được cho là sở hữu quá nửa cổ phần Eximbank, thể hiện rõ qua con số 51,92% tham dự Đại hội bất thường năm 2019 lần 1 diễn ra chiều 30/6/2020.

Trước đó, các phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên và bất thường năm ngoái của Eximbank đều không tổ chức thành công.

Được biết, Đại hội bất thường được triệu tập bởi cổ đông chiến lược Nhật Bản SMBC từ năm ngoái, đề nghị làm rõ các vấn đề tài chính tồn đọng trước đây, đồng thời thanh lọc Hội đồng quản trị thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với từng thành viên.

Năm nay, sau nhiều lần trì hoãn, Hội đồng quản trị Eximbank đã tổ chức Đại hội bất thường năm 2019 với lịch trình sau khi đã diễn ra Đại hội thường niên 2020. Lịch trình này cho thấy nếu có thể, Hội đồng quản trị Eximbank muốn hoàn tất bộ khung Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới trước, và lúc đó, Đại hội bất thường dù có diễn ra cũng như không.

Tuy nhiên, cả 2 phiên đại hội vẫn bất thành vì cổ phần nắm giữ không đủ lớn. Trong khi đó, dù theo Điều lệ, Eximbank phải triệu tập Đại hội bất thường năm 2019 lần 2 trong vòng 30 ngày, song tới thời điểm hiện tại, xem như Hội đồng quản trị ngân hàng này không tuân thủ.

Được biết, cách đây ít tháng, Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 6 thành viên Hội đồng quản trị Eximbank vì trì hoãn tổ chức Đại hội bất thường theo triệu tập hợp pháp của cổ đông ngoại SMBC.

1925 202008010910saeximbank
Đại hội đồng cổ đông của Eximbank đã nhiều lần không thành công. Ảnh: IT.

Việc tiếp tục chấp nhận vi phạm Điều lệ cho thấy nhóm cổ đông yếu thế và Hội đồng quản trị Eximbank đã "đặt cược" rất lớn vào Đại hội thường niên lần 3, dự kiến diễn ra sau lần 2 chậm nhất 20 ngày.

Như vậy có thể thấy, Hội đồng quản trị Eximbank đang rất tích cực chuẩn bị cho Đại hội lần 3, trong đó là việc bất ngờ miễn nhiệm Phó Chủ tịch Đặng Anh Mai, hay ban hành quy chế siết chặt cổ đông tham dự Đại hội thường niên lần 2.

Điều đáng nói là, ngày 27/6/2020, ngay trước thềm Đại hội thường niên lần 2, một cổ đông nắm nhiều triệu cổ phiếu Eximbank đã yêu cầu làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của Eximbank trong việc triệu tập Đại hội đồng cổ đông thường niên nêu trên.

Tuy nhiên, không loại trừ các yêu cầu này sẽ tiếp tục được Hội đồng quản trị Eximbank áp dụng trong Đại hội thường niên lần 3 tới đây. Nhóm đang nắm ưu thế quá bán, bởi vậy sẽ ít nhiều gặp những trở ngại trong việc tham gia Đại hội, khi mà một tỷ lệ nhất định của họ đến từ gom phiếu, xin uỷ quyền từ các cổ đông trung lập.

Với tỷ lệ nắm giữ rất lớn, nhóm này chắc hẳn cũng sẽ không quá khó khăn để phủ quyết Đại hội thường niên sắp tới, bằng cách không thông qua quy chế họp tương tự như tại Đại hội thường niên lần 2 năm ngoái.

Quan điểm của nhóm này rất rõ ràng là yêu cầu Hội đồng quản trị tổ chức Đại hội bất thường năm 2019 đúng luật theo triệu tập của SMBC trước Đại hội thường niên 2020. Đại hội bất thường sẽ thanh lọc, loại bỏ các thành viên Hội đồng quản trị thiếu uy tín, tạo tiền đề bầu ra đội ngũ Hội đồng quản trị có năng lực, đạo đức và đủ uy tín để điều hành ngân hàng.

Bên cạnh đó, nhóm này trước nay không công nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Saitoh, hay trước đó là ông Cao Xuân Ninh, bởi vậy họ cho rằng các Nghị quyết do những vị này ký như việc bãi nhiệm Phó Chủ tịch Đặng Anh Mai vừa qua là vô hiệu. Ông Mai đã ngồi ghế Phó Chủ tịch Eximbank từ giữa năm 2017, và còn là Chủ tịch Uỷ ban Quản lý Rủi ro của ngân hàng.

Được biết, tranh chấp giữa các nhóm cổ đông Eximbank âm ỉ từ nhiều năm, bùng lên dữ dội từ đầu năm 2019 khi Hội đồng quản trị Eximbank ngày 22/3/2019 có Nghị quyết bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch Hội đồng quản trị thay cho ông Lê Minh Quốc. Ông Quốc sau đó khởi kiện và toà án yêu cầu tạm dừng thực hiện Nghị quyết 112. Ngày 14/5/2019, toà án có quyết định huỷ bỏ yêu cầu trên, có hiệu lực cùng ngày, đồng nghĩa với từ lúc này bà Cẩm Tú được cho là Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp pháp của Eximbank.

Tuy nhiên tại phiên họp Hội đồng quản trị ngày 15/5/2019, ông Lê Minh Quốc đã lấy tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị ký Nghị quyết số 231 chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết 112. Sau đó, "chiếc ghế" Chủ tịch Hội đồng quản trị được luân chuyển qua ông Cao Xuân Ninh rồi ông Saitoh.

Được biết, Eximbank cũng vừa thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 lần 3, sau hai lần trước không thành công.

Theo đó, khác với các lần trước tổ chức tại TP HCM, Đại hội đồng cổ đông thườngg niên 2020 lần 3 của Eximbank dự kiến sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, quận Ba Đình, Hà Nội, vào ngày 17/8.

Thành Nhân
Phiên bản di động