Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh lý gây tử vong hàng đầu vì ăn sai cách

Theo thống kê, Việt nam có khoảng 25% dân số mắc bệnh lý về tim mạch và tăng huyết áp. Đặc biệt trong những năm gần đây độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa.
Tập thể dục cường độ cao giúp chị em tránh xa bệnh ung thư, tim mạch Bụi mịn không chỉ ảnh hưởng hô hấp còn gây bệnh tim mạch, đột quỵ Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia khẳng định không có virus viêm cơ tim

4/10 trường hợp tử vong hàng năm là do bệnh lý tim mạch

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, mỗi năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch, hơn hết, số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều.

Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh lý gây tử vong hàng đầu vì ăn sai cách - 1

Ở Việt Nam, bệnh tim mạch cũng là bệnh có tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất, gây ra gánh nặng lớn cho xã hội. Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, ước tính mỗi năm có 200.000 – 300.000 người chết vì bệnh tim mạch. Điều này đồng nghĩa với việc ở nước ta cứ 10 người chết thì có đến 4 người có nguyên nhân do bệnh lý tim mạch.

“Con số này tương đương với dân số ở một huyện. Phép so sánh này cho thấy số người tử vong vì bệnh tim mạch ở nước ta là rất lớn”, PGS Hùng phân tích.

Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh lý gây tử vong hàng đầu vì ăn sai cách - 2
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam

Điều tra về cao huyết áp - nguyên nhân hàng đầu của các biến chứng tim mạch - cũng cho thấy thực tế đáng báo động.

PGS Hùng chia sẻ: “Các kết quả thống kê liên tục gia tăng hàng năm. Năm 2000, ở nước ta chỉ có 15% người lớn bị cao huyết áp; đến năm 2010, con số này tăng lên mức 25%; tuy nhiên, năm 2015, tức là chỉ sau 5 năm, đã ghi nhận 40% người trưởng thành mắc phải căn bệnh này”.

Đáng chú ý, theo PGS Hùng, trong những năm gần đây, tăng huyết áp nói riêng và các bệnh lý tim mạch nói chung đang được trẻ hóa, với rất nhiều đối tượng còn đang trong độ tuổi lao động.

“Ngày xưa, người già mới có bệnh lý về tim mạch, bây giờ người trẻ cũng đã có thể béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Do đó, có thể gặp phải biến chứng tim mạch rất sớm”, PGS Hùng nhấn mạnh.

Chế độ ăn phản khoa học là nguyên nhân hàng đầu

Theo Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, sự thay đổi về thói quen ăn uống là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh lý tim mạch ngày càng trở nên phổ biến và trẻ hóa.

Chuyên gia này phân tích: “Chúng ta ngày càng ăn nhiều các món đồ chiên rán, thức ăn sẵn, phủ tạng động vật. Đây đều là những thực phẩm có nhiều chất béo xấu, vốn là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý tim mạch”.

Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh lý gây tử vong hàng đầu vì ăn sai cách - 3
Các món đồ chiên rán có chứa nhiều chất béo

Bên cạnh chất béo, người Việt hiện nay cũng đang ăn quá mặn. Điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã chỉ ra rằng, người Việt Nam đang ăn mặn gấp đôi khuyến cáo cho phép.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, các thói quen xấu như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia quá mức, lười vận động và cả những stress gặp phải trong đời sống cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Theo PGS Hùng, tất cả những thói quen về sinh hoạt, ăn uống vừa nêu sẽ có thể làm gia tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tăng đường huyết. Những vấn đề sức khỏe này kết hợp với nhau gây ra các biến chứng là bệnh lý tim mạch nặng nề như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh lý gây tử vong hàng đầu vì ăn sai cách - 4
Lạm dụng rượu bia cũng là thói quen xấu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

“Hầu hết các tác nhân gây ra bệnh lý tim mạch mắc phải đều có thể chủ động phòng ngừa, bằng cách thay đổi lối sống. Do đó, mỗi người dân cần ý thức được sự nguy hiểm của bệnh lý tim mạch, để kiên quyết giảm thiểu hay bỏ hoàn toàn những thói quen có hại, để bảo vệ sức khỏe của bản thân”, PGS Hùng khuyến cáo.

Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 17 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong ngày 16 và 17 tháng 10. Với chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới – Biến thách thức thành cơ hội”, lần đầu tiên Đại hội Tim mạch toàn quốc chuyển sang hình thức trực tuyến. Đại hội dự kiến sẽ kết nối tới hơn 10.000 đại biểu trong nước và quốc tế.

Nguồn: Dân trí
dantri.com.vn
Phiên bản di động