Báo chí, liêm chính và trách nhiệm

Truyền thông là một thứ quyền lực. Nó tác động lên xã hội và định hướng hành vi của hàng triệu con người. Hành vi của hàng triệu con người được định hướng lại trở thành nguồn sức mạnh dời non lấp biển.
Báo chính thống và mạng xã hội trong cuộc giằng co không cân sức Món quà tình nghĩa của nữ nhà báo ung thư gửi lại trần gian Chính phủ sẽ dành kinh phí để đặt hàng báo chí chất lượng cao

Được xác định trách nhiệm đúng đắn thì đó là sự dời non lấp biển để kiến tạo ra một xã hội an lành và thịnh vượng.

Muốn có sự an lành, thịnh vượng đó, ắt hẳn trước hết phải bắt đầu từ trách nhiệm của những người làm báo, của các tờ báo.

Và trước hết, đó là trách nhiệm phải truyền thông trung thực. Đừng bôi đen, nhưng cũng đừng có tô hồng.

Vì bôi đen hay tô hồng đều là truyền thông sai sự thật. Một cá nhân hiểu sai sự thật sẽ không thể mưu cầu hạnh phúc; một dân tộc hiểu sai sự thật sẽ không thể hoạch định tương lai.

Hai là trách nhiệm phải đấu tranh bảo vệ lẽ phải, lẽ công bằng. Nhắm mắt trước sự sai trái, trước sự lạm quyền thì có thể hành nghề một cách an nhàn, nhưng không thể sống trong một xã hội tốt đẹp.

Sự dấn thân của hàng ngàn nhà báo đã giúp phanh phui rất nhiều ung nhọt trong bộ máy công quyền cũng như trong xã hội.

Thiếu tinh thần trách nhiệm của các nhà báo, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng chắc chắn khó khăn, nan giải hơn nhiều.

Ba là trách nhiệm giữ gìn sự liêm chính. Không thể chống lại các quan tham nếu các nhà báo cũng tham lam không kém.

Cho dù các nhà báo làm dịch vụ cung cấp tin tức thì cũng đừng để mình bị mua như một thứ dịch vụ có thể trả bằng tiền. Sự liêm chính mới mang lại niềm tin xã hội.

Niềm tin xã hội mang lại nhiều cơ hội to lớn cho báo chí. Chỉ có một sự tốt đẹp mới có thể mang lại một sự tốt đẹp khác. Đó là quy luật của văn minh và tiến bộ.

Cuối cùng, đã nắm giữ quyền lực thì trách nhiệm là không được lạm quyền.

Cho dù sử dụng quyền lực truyền thông để tống tiền chỉ là chuyện "con sâu làm rầu nồi canh", thế nhưng nếu chúng ta không kiên quyết đấu tranh chống lại "những con sâu" như vậy thì uy tín xã hội của báo chí sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Không có uy tín xã hội thì mong muốn dẫn dắt xã hội chỉ là điều ảo tưởng.

Báo chí có vai trò kiến tạo hết sức to lớn. Vấn đề là các cấp chính quyền, xã hội và bạn đọc phải đặt niềm tin vào báo chí và tạo điều kiện cho báo chí.

Kiểm soát hay bó hẹp chỉ có thể mang lại sự phục tùng, nhưng không thể mang lại sự cộng tác.

Mà chỉ có sự cộng tác với báo chí, sức mạnh của cả hệ thống mới được nhân lên gấp bội cả trong phòng chống tham nhũng cũng như trong kiến tạo tương lai.

TS Nguyễn Sĩ Dũng
Theo Tuổi trẻ
Phiên bản di động