Chủ động 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều

TTTĐ - Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, Bắc Giang đã chủ động chuẩn bị cho những kịch bản tiêu thụ vải thiều, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất - tiêu thụ.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Trước diễn biến tiêu cực, khó lường của dịch Covid-19, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều: Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, tiêu thụ trong nước 50%, xuất khẩu 50%; Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát, tiêu thụ trong nước 70%, xuất khẩu 30%; Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu nhỏ giọt, sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước 90%, xuất khẩu 10%.

Bài 3: Tạo “làn xanh” cho vải thiều cất cánh

Vụ vải thiều năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Bắc Giang nên tỉnh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các Bộ ngành liên quan. Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã về làm việc trực tiếp với tỉnh nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong khâu tiêu thụ.

Bộ Công thương đã chỉ đạo và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện và người khi vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất nói chung, các mặt hàng nông sản và đặc biệt là quả vải của tỉnh Bắc Giang nói riêng qua các tỉnh, thành phố theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về phía Bắc Giang, tỉnh đã ban hành Quyết định số 2509/QĐ-UBND ngày 18/12/2020 phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025. Trong đó, năm 2021, UBND tỉnh giao Sở Công thương thực hiện hỗ trợ 15 doanh nghiệp, HTX xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến, đưa sản phẩm lên sàn Alibaba và một số sàn thương mại điện tử khác.

Cùng với đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản số 189/UBND-KTTH ngày 18/5/2021 gửi Bộ Công thương và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về việc phối hợp và hỗ trợ đẩy mạnh phân phối sản phẩm vải thiều qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử, hướng tới kênh phân phối mới, hiện đại, bền vững trên nền tảng số.

Bài 3: Tạo “làn xanh” cho vải thiều cất cánhĐặc biệt, Kế hoạch số 2099/KH-UBND ngày 13/5/2021 ra đời nhằm bảo vệ vùng sản xuất vải thiều tập trung (Lục Ngạn, Tân Yên) an toàn, sạch dịch bệnh Covid-19, đảm bảo không ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ với phương châm “Vải thiều Bắc Giang chất lượng vượt trội được sản xuất tại các vùng không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19”. Tỉnh đã lập các chốt kiểm tra y tế trên các tuyến đường trục chính vào các vùng sản xuất vải thiều tập trung để bảo vệ vùng trồng vải. Do đo, chất lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang được cho là tốt nhất từ trước đến nay.

Bắc Giang cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương “mở làn xanh” cho phép xe chở vải thiều được lưu thông nhanh chóng qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 khi có giấy xác nhận an toàn do Chủ tịch UBND tỉnh cấp.

Tăng cường xúc tiến xuất khẩu vải thiều

Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, ngay từ đầu vụ, tỉnh đã giao Sở Công thương làm việc trực tuyến để trao đổi, thông tin với các cơ quan Tham tán thương mại tại nước ngoài, đặc biệt là cơ quan Tham tán tại Quảng Tây, Vân Nam, Trung Quốc, tại Nhật Bản, Úc, Singapore... về đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và thúc đẩy hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều.

Bên cạnh đó là việc trao đổi, cung cấp thông tin để Tổng Lãnh sự quán tại Vân Nam và Quảng Tây, Trung Quốc quảng bá, giới thiệu và thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng trực tuyến yunnan.cn và nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com trong các hoạt động kỷ niệm 5 năm thành lập cơ chế hợp tác Mê Kông - Lan Thương.

Ngày 8/6, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức rất thành công hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021 với 20 điểm cầu trong nước và 8 điểm cầu ở nước ngoài.

Ngoài công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều xuất khẩu, Bắc Giang cũng tập trung chỉ đạo sản xuất, chuẩn bị các điều kiện đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Với thị trường Trung Quốc, tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì 149 mã số vùng trồng với diện tích 15.800ha, sản lượng ước đạt 95.000 tấn. Trong năm 2021, Trung Quốc đã chấp thuận thêm 11 cơ sở đóng gói mới, nâng tổng số cơ sở đóng gói toàn tỉnh hiện nay lên 300 cơ sở. Nông dân được hướng dẫn cách thu hoạch, sơ chế, nhặt lá, cắt cuống theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc.

Đối với thị trường Nhật Bản, tỉnh duy trì 30 mã số vùng trồng, diện tích 219ha, sản lượng khoảng 1.800 tấn; Duy trì một cơ sở xông hơi khử trùng tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Toàn Cầu để đóng gói, đáp ứng nhu cầu phục vụ xuất khẩu. Vì tình hình dịch bệnh phức tạp, phía Nhật Bản ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam giám sát công tác xông hơi khử trùng. Bắc Giang đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cử chuyên gia giám sát tại Công ty Toàn Cầu suốt thời gian thu hoạch vải thiều để việc xuất khẩu sang thị trường Nhật được thuận lợi.

Các nước bảo hộ nhãn hiệu vải thiều Bắc Giang

Các nước bảo hộ nhãn hiệu vải thiều Bắc Giang

Còn với thị trường Mỹ, Úc, EU... tỉnh tiếp tục duy trì 18 mã số vùng trồng, diện tích là 218ha, sản lượng 1.800 tấn. Người dân được hướng dẫn, giám sát thực hiện đúng quy trình sản xuất, thu hoạch để đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu.

Do cách làm truyền thông rất tốt cùng với sự đồng hành của các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, thương hiệu vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang, đã được thị trường quốc tế biết đến và tin dùng. Quả vải thiều Lục Ngạn đã có mặt ở 32 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Nhiều giải pháp tăng tỷ lệ tiêu thụ trong nước

Trả lời câu hỏi về việc nhiều người Việt Nam còn chưa được ăn quả vải thiều Lục Ngạn chính hiệu, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: “Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường, cả thị trường trong và ngoài nước. Thị trường nào cũng có vai trò quan trọng, quyết định đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ vải thiều. Thị trường nào cũng có yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã, thương hiệu của quả vải thiều. Mặt khác mỗi thị trường đều có những lợi thế, giá trị khác nhau, từ đó chính các thị trường quyết định đến tỷ lệ tiêu thụ vải thiều trong những năm qua”.

Hàng năm, tỷ lệ tiêu thụ ở thị trường trong nước luôn chiếm khoảng 50%, có một số năm cao hơn. Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trên thực tế. Nguyên nhân chính là do quả vải thiều có tính mùa vụ rất cao, chi phí vận chuyển lớn, nhất là vận chuyển vào các tỉnh miền Nam. So với khoảng cách từ Bắc Giang đến cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Lào Cai thì rõ ràng khoảng cách đã làm tăng chi phí vận chuyển.

Để giải quyết vấn đề này nhằm tăng tỷ lệ tiêu thụ thị trường trong nước, tỉnh Bắc Giang đã chủ động liên hệ với các hệ thống phân phối bán lẻ, siêu thị: Aeon, Mega Market, Lotte, Central Retail (GO! BigC), Vinmart, Vinmart+, Saigon Co.op… các chợ đầu mối hoa quả ở TP Hà Nội, TP HCM, tỉnh Đồng Nai, thành phố Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng... để bàn bạc, giảm các khâu trung gian, đẩy mạnh phân phối tại thị trường trong nước.

Bài 3: Tạo “làn xanh” cho vải thiều cất cánh

Cùng với đó, được sự giúp đỡ của Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, vải thiều Bắc Giang lần đầu tiên chính thức phân phối trên cả 7 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam bao gồm: Alibaba, Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart, Lazada… với giá ưu đãi và chuyển phát nhanh toàn quốc thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” của Bộ Công thương do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì.

Mùa vải chính vụ ở Bắc Giang đã bắt đầu. Với những nỗ lực "khơi thông" chuỗi sản xuất, tiêu thụ vải thiều giữa "tâm bão" dịch Covid-19, Bắc Giang kỳ vọng có thêm vụ vải nghìn tỷ để nông dân phấn khởi, thêm yêu và gắn bó cùng loại cây ăn trái được định vị là “cây làm giàu” ở vùng Kinh Bắc cổ xưa giàu truyền thống.

(Còn nữa)

Bài viết: M.Đức - D.Trung - V.Hải - Q.Chương - H.My

Đồ họa: Phạm Mạnh