Hà Nội thận trọng thí điểm mô hình chính quyền đô thị:

Bài 3: Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để vận hành mô hình mới

TTTĐ - Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị của thành phố đã tích cực xây dựng kế hoạch, phân công, triển khai công việc cụ thể để chuẩn bị cho việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Đến nay, Hà Nội đã chuẩn bị cơ bản đầy đủ các điều kiện để vận hành mô hình mới.
Bài 2: Nét mới của mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội Hà Nội thận trọng thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Ban hành các kế hoạch, văn bản hướng dẫn cụ thể

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết: Ngay sau khi có Nghị quyết số 97/2019/QH14, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 31/12/2019 nhằm tập trung chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành của thành phố, chuẩn bị tốt cho việc triển khai thực hiện thí điểm.

Trên cơ sở chỉ đạo thống nhất của Thành ủy, các cấp chính quyền đã chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị như: Phối hợp với các cơ quan Trung ương xây dựng nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14; Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy các phường; Rà soát, hoàn thiện quy định phân cấp của thành phố với các quận, thị xã, phường; Tổ chức tuyên truyền mô hình chính quyền đô thị…

Các địa phương của Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai một cách bài bản, thận trọng để khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, tổ chức bộ máy của UBND các phường tinh gọn, ổn định, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Các địa phương của Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai một cách bài bản, thận trọng để khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, tổ chức bộ máy của UBND các phường tinh gọn, ổn định, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đặc biệt, ngày 15/4/2021, UBND thành phố tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị định số 32/ 2021/NĐ-CP tới cơ sở.Ngày 29/3/2021, chưa đầy nửa tháng sau khi Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 12/4/2021 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, trong đó đã phân công các nội dung công việc, nêu rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và tiến độ hoàn thành.

Để đảm bảo khi triển khai thí điểm, các cấp cơ sở đều thực hiện đúng, đủ các quy định, UBND thành phố đã ban hành Văn bản số 1184/UBND-NC về hướng dẫn nội dung Chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu UBND phường đối với các giấy tờ, văn bản theo quy định tại khoản 3, Điều 7 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Mới đây nhất, UBND TP đã ban hành Quyết định số 2696/QĐ-UBND về quy chế làm việc mẫu của UBND phường khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Quy chế quy định chi tiết về quan hệ công tác của UBND phường với HĐND quận, thị xã; Quan hệ với UBND quận, thị xã, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận và các cơ quan chức năng khác; Quan hệ với Đảng ủy phường; Quan hệ với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường; Quan hệ giữa UBND phường với tổ dân phố.

Quy chế cũng quy định rõ về chế độ hội họp, giải quyết công việc; Quản lý văn bản của UBND phường…

Chủ động, sẵn sàng triển khai thí điểm

Quán triệt Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, các địa phương của Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai một cách bài bản, thận trọng để khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, tổ chức bộ máy của UBND các phường tinh gọn, ổn định, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Việt Hà cho biết, quận đã sẵn sàng triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Trong thời gian qua, quận đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Từng người được sắp xếp theo vị trí việc làm, theo hướng "một việc, một đầu mối xuyên suốt" và "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả), nhờ đó đã nâng cao hiệu quả công việc. Đây chính là tiền đề để quận Thanh Xuân sẵn sàng vận hành theo mô hình chính quyền đô thị nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai) Vương Thị Mai Hương chia sẻ: "Trước đây, quận Hoàng Mai đã định hướng và phần lớn các phường đã chủ động bố trí Phó Chủ tịch HÐND phường kiêm Phó Bí thư Đảng ủy hoặc Phó Chủ tịch UBND nên khi chuyển sang mô hình mới, phường sẽ không bị dôi dư cán bộ. Đội ngũ cán bộ tại phường hiện đã phù hợp và đầy đủ; Đều là cán bộ UBND phường kiêm nhiệm vai trò đại biểu HÐND.

Tại quận Ba Đình, Bí thư Quận ủy Hoàng Minh Dũng Tiến cho biết, để triển khai hiệu quả Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, quận đã thành lập Ban Chỉ đạo để có sự thống nhất chung trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, trước việc một số cán bộ, công chức tâm tư khi phải chuyển đổi, sắp xếp vị trí việc làm, quận đã đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, thống nhất nhận thức để cùng thực hiện tốt, bảo đảm ổn định ở cơ sở.

Còn tại quận Đống Đa, Bí thư Quận ủy Đinh Trường Thọ cho biết, tập trung triển khai mô hình chính quyền đô thị đến 21 phường trên địa bàn, quận đã rà soát lại toàn bộ đội ngũ cán bộ đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định; Sắp xếp bố trí đối với các chức danh không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm. Xác định việc triển khai chuyển đổi tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ, công chức, quận yêu cầu lãnh đạo phường cần làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ yên tâm công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Còn theo Trưởng phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng Lê Bích Hằng, nhằm đáp ứng khối lượng công việc lớn khi thí điểm mô hình chính quyền đô thi, quận tăng số lượng lãnh đạo phường tham gia đại biểu HĐND cấp quận so với nhiệm kỳ trước. Điều này cũng để phản ánh được nhiều ý kiến cử tri ở cấp phường lên quận.

Đồng thời, từ năm nay, quận Hai Bà Trưng cũng tăng số đại biểu HĐND chuyên trách theo quy định trong tổng số đại biểu HĐND quận nhiệm kỳ này; Quận đã rà soát cán bộ công chức, xem xét khả năng chuyên môn có đáp ứng được tiêu chuẩn không, nếu không thì tính đến luân chuyển cán bộ để khi thực hiện chính quyền đô thị sẽ đảm bảo đáp ứng được. Cũng theo bà Hằng, hiện quận có 141 biên chế, thiếu 16 người. Khi thực hiện chính quyền đô thị có các công chức cơ sở được thẩm định thành công chức hành chính, Chủ tịch UBND quận sẽ điều động vào các vị trí thiếu đó.

Việc xây dựng chính quyền đô thị tại Hà Nội đã được đặt ra từ lâu, là sự mong mỏi qua nhiều nhiệm kỳ. Các địa phương đều nóng lòng mong chờ Hà Nội thí điểm thành công để học tập và làm theo. Cũng bởi vậy, Hà Nội xác định phải đi từng bước chắc chắn, thận trọng, đảm bảo không xáo trộn và đem lại hiệu quả như mong đợi. Với sự chuẩn bị thời gian qua, kỳ vọng Hà Nội sẽ tạo nên "dấu ấn" trong quản trị hành chính, đưa Hà Nội tới bước phát triển mới.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động