Bài 2: Vì sao thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn có đất sống?

Vì sao thực phẩm không đảm bảo an toàn vẫn tồn tại, đặc biệt là tại các chợ truyền thống, các chợ tự phát?
Siết chặt an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Tân Sửu 2021

Khó kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm tại các chợ

Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 400 chợ được phân loại cụ thể, trong đó có chợ đầu mối, chợ thành thị, nông thôn. Mỗi dịp Tết đến, lượng người mua sắm tại các chợ lại đông đúc. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) tại các chợ trên địa bàn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các chợ đầu mối.

Do đặc thù hoạt động của chợ đầu mối, hoạt động phân phối sản phẩm chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (ngay trong đêm). Trong khi theo quy định, để có cơ sở xử lý đối với các trường hợp nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc tồn dư hóa chất, chất cấm phải có kết quả phân tích định lượng tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định và thường mất thời gian từ 2 - 4 ngày. Hơn nữa, hiện nay, ngành chức năng cũng chưa có quy định tạm giữ lô hàng trong thời gian chờ kết quả phân tích định lượng, nếu có kết quả dương tính thì lô hàng đã được phân phối, không còn ở chợ.

Bài 2: Vì sao thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn
Thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống luôn thu hút người tiêu dùng vì giá cả phù hợp

Vì vậy, theo các cơ quan chức năng, việc xử lý vi phạm về ATTP đối với các nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc có hóa chất, chất cấm tại chợ đầu mối chỉ có thể bằng hình thức phạt tiền. Việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như tịch thu, tiêu hủy còn khó khăn.

Thực tế, lý do cơ bản khiến cho người tiêu dùng chọn chợ truyền thống để mua bán do giá cả rẻ hơn trong các siêu thị. Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1.800 siêu thị, cửa hàng tiện ích kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn. Trong đó có những "tên tuổi lớn" như: Hệ thống Vinmart (có 44 siêu thị, hơn 800 cửa hàng tiện ích), Intimex (6 siêu thị), Co.op Food (57 cửa hàng) và rất nhiều cửa hàng tiện tích. Tuy nhiên giá cả thực phẩm ở những cửa hàng này không phải người dân nào cũng có đủ điều kiện để mua.

Chị Dương Thị Thanh Huyền (ở quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Vẫn biết nông sản, thực phẩm bán ở các cửa hàng có chất lượng đảm bảo nhưng thỉnh thoảng tôi mới mua cho trẻ nhỏ vì giá cao so với thu nhập của gia đình. Thức ăn hằng ngày, tôi vẫn mua ở chợ truyền thống. Đó là chưa kể, Tết đến giá cả hàng hóa ở đâu cũng tăng. Nhiều khi, tôi cũng tặc lưỡi mua ở chợ, thậm chí cả ở chợ cóc gần nhà”.

Việc quản lý chưa thực sự hiệu quả

Thực tế cho thấy, việc kiểm soát nguồn gốc và an toàn thực phẩm tại các chợ tự phát vẫn đang bị "thả nổi". Chợ tự phát mọc lên ở những nơi có đông công nhân, sinh viên, trong khu dân cư, có khi ngay cạnh chợ truyền thống để "cạnh tranh".

Đi qua khu vực các chợ tự phát này, ai cũng dễ dàng nhận ra thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, khi thức ăn chín được bày bán lẫn lộn với thức ăn sống, các sạp rau củ quả được bày xen lẫn với nơi giết mổ gà, vịt bốc mùi hôi thối. Thậm chí, thực phẩm bày bán ngay dưới nền đất...

Điều đó cho thấy, công tác quản lý tại các địa phương còn chưa hiệu quả; Việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thường xuyên và nghiêm minh, còn nặng tính hình thức. Do đó mới có tình trạng, khi có lực lượng chức năng đi kiểm tra thì người bán hàng nháo nhào bỏ chạy, khi không ai kiểm tra thì lại ngang nhiên bày bán công khai.

Bài 2: Vì sao thực phẩm không an toàn vẫn tồn tại trong các dịp Tết?
Buôn bán hoa quả tại các chợ đầu mối vẫn đang bị buông lỏng

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, hiện nay các quy định pháp luật xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp, gây khó khăn trong công tác chỉ đạo cũng như thi hành pháp luật. Cụ thể, Điều 6, Luật ATTP quy định có 2 biện pháp xử lý trong lĩnh vực ATTP là xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự nhưng thực tế cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc xử lý hình sự.

Muốn xử lý đối với hành vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 317 Bộ Luật hình sự năm 2015 phải có hậu quả làm chết 1 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 1 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. Theo đó, mức phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm.

Tuy nhiên, việc xác định tỉ lệ thương tổn ngay khi sử dụng loại thực phẩm đó là chưa phù hợp với đặc thù của lĩnh vực an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, việc xác định hậu quả nghiêm trọng hầu như chỉ dựa vào việc có chết người, trong khi những chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm không gây chết người ngay lập tức mà qua thời gian dài tích tụ trong cơ thể mới gây ra hậu quả.

Do vậy, cơ quan chức năng chưa có cơ sở để xử lý hình sự và phải chuyển sang xử lý hành chính, mức phạt cao nhất là 500 triệu đồng dường như vẫn không đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, theo quy định mới, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm, đồ uống, rượu, bia, bánh mứt, kẹo… được tự công bố chất lượng sản phẩm. Khi đã gửi tự công bố chất lượng sản phẩm đến cơ quan chức năng, doanh nghiệp có thể sản xuất và phân phối sản phẩm. Sau đó, cơ quan chức năng hậu kiểm. Điều này có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp làm ăn chộp giật, sản xuất các sản phẩm kém chất lượng, bán cho người tiêu dùng. Vì thế, làm thế nào để kiểm soát và ngăn chặn các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn có mặt trên mâm cơm ngày Tết của các gia đình là một câu hỏi còn bỏ ngỏ?

(Còn nữa)

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động