Bài 2: Trung tâm Anh ngữ quảng cáo trên trời, chất lượng... dưới mặt đất

Nhiều trung tâm Anh ngữ gắn mác thầy Tây, học bổng ưu đãi nhiều khiến người học lóa mắt nhưng chất lượng liệu có xứng tầm với giá tiền và những lời có cánh?
Bài 1: Trung tâm Anh ngữ phủ sóng từ đời thực đến ‘cõi face’

Lóa mắt với thầy Tây và những chiêu bài khuyến mãi

Nhiều trung tâm Anh ngữ sử dụng chiêu bài “thầy Tây”, “giáo viên nước ngoài”, “giáo viên bản ngữ”… như một cam kết về mặt chất lượng để hấp dẫn người học sẵn sàng chi bạo.

bai 2 trung tam anh ngu quang cao tren troi chat luong duoi mat dat
Một giáo viên người nước ngoài đang lên lớp. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Facebook

Đi kèm với các chiêu bài này, nhiều trung tâm còn liệt kê ra năm bảy lý do nên học tiếng Anh với người nước ngoài nghe rất vừa tai như: Cải thiện khả năng nghe nói; Phát âm đúng; Tăng cường khả năng phản xạ; Đánh rơi ngữ pháp; Khắc phục tâm lý sợ hãi...

Cùng với thầy Tây, nhiều trung tâm cũng tung ra các khuyến mãi mời gọi người học đóng trước vài khóa để được giảm giá; nhận tư vấn giành học bổng; giới hạn số lượng người đăng kí trước giảm giá đặc biệt và gửi cả chương trình học về các trường kèm theo gói học bổng hấp dẫn.

Chị Hưởng (Phú Đô, Nam Từ Liêm) chia sẻ: Nghe quảng cáo của trung tâm gần nhà hấp dẫn quá, chị đăng ký liền 4 khóa để được giảm giá. Mức học phí sau khi giảm là 2,8 triệu đồng/khóa.

Bạn Thanh Hà cũng nhận được vài học bổng ngoại ngữ 30-50% từ cuộc thi trong trường đại học. Thanh Hà cho biết, nếu muốn dùng học bổng này, em sẽ phải đóng thêm từ 1,8-6,3 triệu đồng tùy theo từng khóa học.

Tây ba lô dạy tiếng Anh và cách tuyển dụng giáo viên kì lạ

Hiện tượng Tây ba lô được mời làm giáo viên trong các trung tâm Anh ngữ đã được báo chí phản ánh nhiều năm nay và vẫn đang tiếp diễn.

Chị Thảo, quản lý một homestay gần Hồ Hoàn Kiếm cho biết: Có ít nhất 3 người nước ngoài thường xuyên lưu trú tại homestay của chị đã từng và đang làm giáo viên tiếng Anh cho các trung tâm tại Việt Nam.

Trong đó, Derrick Butcher là người Mỹ sống ở bờ Tây và chưa tốt nghiệp cấp 3. Sang Việt Nam, Derrick lưu trú tại homestay do chị Thảo quản lý và đi dạy thêm tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ. Các trung tâm này thường trả cho Derrick 25 USD/giờ.

Eric đến từ Canada cũng nhận việc làm thêm tại Việt Nam là đi dạy tiếng Anh tại các trung tâm. Có điều “nó viết chính tả còn lỗi chị phải sửa cho”, chị Thảo cho biết.

Còn Scott đến từ nước Anh thường kể với chị Thảo rằng chuyện đến lớp chơi với các cháu vui lắm, chỉ việc dạy theo bài tập được trợ giảng gửi sẵn cho.

Trên nhóm Việc làm giáo viên tiếng Anh trên facebook với hơn 32.000 thành viên, có những mẩu tuyển dụng kì lạ khi tuyển giáo viên, trợ giảng tiếng Anh người Việt “không cần tiếng Anh quá xuất sắc, chỉ cần có phương pháp, yêu trẻ”.

bai 2 trung tam anh ngu quang cao tren troi chat luong duoi mat dat
bai 2 trung tam anh ngu quang cao tren troi chat luong duoi mat dat
Tuyển dụng giáo viên, trợ giảng tiếng Anh trong nhóm cộng đồng facebook

Nguyễn Lâm, một bạn trẻ từng làm trợ giảng ở nhiều trung tâm chia sẻ: Các trung tâm mà Lâm từng làm đều thuê Tây ba lô lên lớp. Người được tuyển dụng thường là khách định cư ở Việt Nam dài 6 tháng hoặc hơn. Nếu một bạn Tây đi du lịch hoặc nghỉ thường sẽ giới thiệu một bạn Tây khác thay thế. Trợ giảng sẽ chuẩn bị bài học theo giáo trình Cambridge và một vài giáo trình khác, chuẩn bị học cụ như bút màu, giấy vẽ, keo dán, giấy xé dán... với các lớp là học sinh nhỏ tuổi.

Về vấn đề này, chị Thùy, một người có ý định mở trung tâm tiếng Anh, cho biết: Việc xin cấp phép trung tâm ngoại ngữ được hướng dẫn một cách tỉ mỉ nên không quá khó, giáo trình tiếng Anh có sẵn. Quan trọng là việc xây lộ trình, các hoạt động bổ trợ cùng công tác tuyển sinh. Về giáo viên có hẳn trung tâm chuyên đào tạo, cung ứng giáo viên nước ngoài với mức phí khoảng 25 USD/giờ. Nếu trung tâm tuyển Tây ba lô sẽ đi kèm với 1 trợ giảng tiếng Việt tốt, vững vàng thì mới điều khiển được lớp nếu không sẽ rối như mớ bòng bong.

“Tây ba lô nhiều khi không dạy bằng giáo viên Việt, đi làm thì lười, không yêu trẻ, chỉ muốn dạy để nhận lương nên đừng đặt yếu tố học với thầy Tây lên tất cả”, chị Thùy cảnh báo.

Những năm qua, các trung tâm Anh ngữ bùng nổ như nấm sau mưa "đón lõng" nhu cầu của người học tại Việt Nam. Tuy nhiên, quá nhiều trung tâm, chi nhánh, quá nhiều thông tin cộng với sự bùng nổ của Internet và thiết bị thông minh kéo theo rất nhiều hình thức học ngoại ngữ mới. Cùng với đó kéo theo rất nhiều vấn đề trong dạy và học cũng như quản lý các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực béo bở này.

Ở góc độ tiêu dùng, nếu không tìm hiểu kỹ, người học khó lòng mà tìm được "hoa trong nấm" trong rừng trung tâm, khóa học ngoại ngữ đang nở rộ kia. Đã có rất nhiều bài học nhãn tiền, chuyện dở khóc dở cười về việc học ngoại ngữ được người học "bóc phốt".

Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục đưa tin.

Huyền My - Đinh Linh
Phiên bản di động