Bài 2: Thủ đô của cả nước, Hà Nội tiên phong chống rác thải nhựa

Hưởng ứng lời kêu gọi, phát động của Thủ tướng Chính phủ về chiến dịch giảm thiểu rác thải nhựa, Hà Nội là Thủ đô của cả nước ngay lập tức hành động ở tất cả các cấp chính quyền, cơ quan hành chính...
Bài 1: Chung tay giảm rác thải nhựa - Vì một cuộc sống xanh

Hành động vì Thủ đô "Xanh - Sạch - Đẹp''

Không chỉ viết thư kêu gọi, cách đây 3 tháng vào đầu tháng 6/2019, tại bờ hồ Hoàn Kiếm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phát động chiến dịch toàn quốc chống rác thải nhựa trong buổi lễ ra quân được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng UBND TP Hà Nội tổ chức.

Ở thời điểm đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, để người dân hiện tại, các thế hệ tương lai được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững. "Nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa", lãnh đạo Chính phủ nêu phương châm.

bai 2 thu do cua ca nuoc ha noi tien phong chong rac thai nhua
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo TP Hà Nội cùng em thiếu nhi vẽ tranh phát động chiến dịch toàn quốc chống rác thải nhựa. Ảnh: Lê Tâm.

Là Thủ đô, nơi trọng điểm của kinh tế và du lịch của đất nước, dĩ nhiên TP Hà Nội cũng không thể đứng ngoài cuộc, thậm chí còn phải là địa phương tiên phong, đi đầu trong chiến dịch chống rác thải nhựa. Thực tế, cuối tháng 10/2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch hành động chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020; trong đó yêu cầu các ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại thực hiện các mô hình giảm thiểu chất thải và tái chế trong các hoạt động của đơn vị.

Không chỉ vậy, tiếp tục hưởng ứng lời phát động của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ tập trung triển khai ngay nhiều giải pháp, biện pháp trọng tâm.

Trước tiên là tổ chức lễ ký cam kết chống rác thải có nguồn gốc từ nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng của TP Hà Nội và một số tỉnh, thành phố đến 100% các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối; mục tiêu đến ngày 31/12/2020, 100% các trung tâm thương mại, siêu thị không dùi túi nilon.

bai 2 thu do cua ca nuoc ha noi tien phong chong rac thai nhua
Phiên họp tập thể UBND TP Hà Nội vào cuối tháng 10/2019 không sử dụng nước đóng chai nhựa.

Minh chứng thiết thực nhất cho lời nói của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung là ngày 19/8/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 3549/UBND-ĐT yêu cầu các cơ quan hành chính Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc từ ngày 1/9/2019, không sử dụng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích 330ml-500ml) trong công sở và khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác mà chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (trên 20 lít) hoặc sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần và các vật liệu thân thiện với môi trường. Đặc biệt, không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm thiểu tối đa việc sử dụng túi nilon khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại cơ quan, nơi làm việc.

Mới đây nhất, ngày 25/10, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND, triển khai phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn thành phố. Theo kế hoạch, 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND thành phố không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11/2019.

Nói là làm, hệ thống chính trị TP Hà Nội ngay lập tức quán triệt tinh thần đến các Sở, ngành phòng ban, các cấp chính quyền từ xã phường đến quận huyện và ngay cả Văn phòng Thành ủy, Văn phòng HĐND thành phố, Văn phòng UBND thành phố. Nhận được chỉ đạo, các đơn vị đều đã thực hiện nghiêm túc việc giảm thiểu chất thải nhựa, hưởng ứng phong trào chung của cả nước.

Cả hệ thống chính quyền không ai ngoài cuộc

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, nhiều cuộc họp của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã dùng bình thủy tinh, cốc thủy tinh đựng nước uống thay vì dùng chai nhựa như nhiều năm trước, đơn cử như tại cuộc họp xem xét, quyết định một số nội dung trình kỳ họp cuối năm của HĐND TP của UBND TP Hà Nội, hay mới nhất là Kỳ họp thứ 10 của HĐND TP Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021.

Không chỉ có vậy, tại nhiều quận, huyện, phường xã ở Hà Nội, phong trào giảm thiểu rác thải nhựa cũng đang được đẩy mạnh. Đơn cử như tại UBND quận Bắc Từ Liêm, nhiều cuộc họp của quận hiện giờ cũng không dùng nước uống đóng chai nhựa, thậm chí có một số cán bộ còn mang nước ở nhà đi theo thói quen. Cùng với đó, UBND quận đã có văn bản yêu cầu các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, UBND các phường, đoàn thể chính trị - xã hội giảm thiểu chất thải nhựa, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại các hoạt động trong công sở.

bai 2 thu do cua ca nuoc ha noi tien phong chong rac thai nhua
Buổi làm việc của lãnh đạo UBND TP Hà Nội với quận Bắc Từ Liêm không sử dụng nước đóng chai nhựa mà dùng chai thủy tinh vào ngày 7/11.

Ở huyện Đan Phượng cũng đã rục rịch bắt đầu. "Chiến dịch giảm thiểu rác thải nhựa đang được hưởng ứng mạnh mẽ cả nước, TP Hà Nội nói chung và huyện Đan Phượng nói riêng cũng không thể đứng ngoài cuộc. Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị, anh em cùng chung tay. Thực tế, tại nhiều cuộc họp của chúng tôi cũng đã hạn chế sử dụng nước đóng chai nhựa mà dùng cốc thủy tinh. Chúng tôi còn tuyên truyền, đẩy mạnh việc sử dụng túi hồ sơ bằng giấy thay vì túi nhựa trước đây", ông Nguyễn Hữu Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng chia sẻ.

Tương tự, phong trào giảm thiểu rác thải nhựa cũng đã và đang được Đảng ủy, HĐND, UBND phường Mộ Lao (Hà Đông) thực hiện khá tốt. Các cơ quan phường Mộ Lao đã giảm thiểu việc sử dụng túi nilon trong các hoạt động mua sắm, cán bộ, công chức, người lao động tại phường đã chủ động tìm đồ thay thế, giảm đáng kể việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

"Nhận thấy tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa, chúng tôi thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và UBND quận Hà Đông về việc này. Từ việc dừng sử dụng nước uống đóng chai trong các cuộc họp, tiếp dân đến việc giảm dùng các phẩm túi nilon. Sắp tới, là cơ quan hành chính địa phương, gần dân nhất nên chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân tại phường hưởng ứng chiến dịch này'', ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Mộ Lao chia sẻ.

Theo ông Tuấn, để thực hiện chiến dịch, phường Mộ Lao lấy nòng cốt là Hội phụ nữ của phường để đẩy mạnh công tác tuyên truyền nói không với rác thải nhựa với người dân, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng chai, chỉ dùng các chai thủy tinh phát cho các cán bộ phường sử dụng trong quá trình làm việc. Cán bộ công viên chức phường đã không còn sử dụng nước đóng chai nhựa sử dụng một lần mà dùng nước sôi từ nhà mang đi bằng chai thủy tinh.

bai 2 thu do cua ca nuoc ha noi tien phong chong rac thai nhua
Bàn làm việc của ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Mộ Lao (Hà Đông) cũng chỉ sử dụng chai thủy tinh.

"Đặc biệt, phường kiên quyết không thanh toán chi phí nước cho hội nghị là sản phẩm nhựa. Ngoài ra, chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền người dân giảm thiểu rác thải nhựa qua các kênh thông tin như zalo, facebook... vừa giảm thiểu chi phí vừa có tác động lớn", ông Tuấn chia sẻ.

Bà Lại Hà Phương - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, nhận thức được vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa là cấp bách hiện nay, Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực để đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa” với tinh thần “hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”. Trong đó, Hội kêu gọi cán bộ, hội viên phụ nữ toàn chi hội bằng những việc làm cụ thể hãy cùng chung tay hành động chống rác thải nhựa.

Cụ thể, theo bà Phương đó là lồng ghép trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt tổ phụ nữ, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia các hoạt động thu gom, phân loại các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì túi nilon khó phân hủy để tái chế, xử lý, tiếp tục thực hiện và hưởng ứng các mô hình hay trong công tác bảo vệ môi trường và phong trào ra quân vì cuộc sống xanh.

Trong khi đó, nhận xét về phong trào giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn TP Hà Nội, anh Hoàng Phương Duy (Hoàng Mai, Hà Nội) đánh giá, tình trạng ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon và xả rác thải nhựa tràn lan đang gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dân, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành địa phương, TP Hà Nội đã vào cuộc rất mạnh mẽ, bước đầu đã có sự thay đổi đáng kể.

"Xem các chương trình truyền hình và dự các cuộc tiếp dân tôi thấy tại các cuộc họp, hội nghị của thành phố đến các địa phương đều không sử dụng nước uống đóng chai nhựa. Việc làm này vừa tiết kiệm vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Hà Nội là thành phố vì hòa bình nên cần phải đi đầu, tiên phong để nhân rộng ra các địa phương khác", anh Duy chia sẻ.

Tại Hà Nội, ngoài sự vào cuộc của hệ thống chính quyền, các đoàn thể thì các đoàn viên, thanh niên và thế hệ trẻ của Thủ đô cũng đã có nhiều hoạt động hưởng ứng phong trào giảm thiểu rác thải nhựa, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, vai trò của đoàn viên, thanh niên về giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường biển trước ô nhiễm rác thải nhựa, tạo điều kiện thay đổi hành vi, góp phần lan tỏa nhận thức “Vì một cuộc sống xanh”.

"Cùng chung tay với chính quyền, lực lượng đoàn thanh niên chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều đợt thu gom rác, túi nilon. Đồng thời cũng đẩy mạnh tuyên truyền, dán băng rôn khẩu hiệu nhiều khu vực đông dân cư để người dân cùng vào cuộc giảm thiểu rác thải nhựa", anh Nguyễn Minh Cường - Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ.

Theo đánh giá, ở thời điểm hiện tại, dù đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận trong công tác chống rác thải nhựa trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, để phong trào thật sự bền vững, là hoạt động thường xuyên, thói quen trong đời sống cần tiếp tục có giải pháp triệt để và sự chung tay, quyết tâm góp sức của cả cộng đồng, xã hội.

(Còn nữa)...

Văn Huy - Duy Tân
Phiên bản di động