Bài 2: Nỗi đau mang tên “chết đuối”

Thời gian gần đây và có thể vẫn tiếp diễn nhiều vụ chết đuối xảy ra, mà một trong những lý do là thiếu kỹ năng bơi lội, phòng bị đuối nước. Cứ “đến hẹn lại lên” vào mùa hè, tỷ lệ tử vong do đuối nước tăng cao, hơn lúc nào hết chúng ta cần cấp bách những giải pháp.
Đừng để đuối nước mãi là nỗi ám ảnh Cảnh báo các vụ tai nạn đuối nước của trẻ nhỏ trong dịp hè

Liên tiếp những cái chết thương tâm

Những vụ tai nạn đuối nước gây tử vong xảy ra liên tiếp ở các địa phương. Mới đây, theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Hòa Bình, vào khoảng 15 giờ chiều 5/6, tại khu vực hạ lưu sông Đà, thuộc địa bàn phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình đã xảy ra vụ đuối nước làm hai bé gái sinh năm 2011 và 2010 tử vong.

Khu vực xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm là nơi đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm; Đồng thời, lực lượng chức năng thường xuyên sử dụng loa, các phương tiện đường thủy để cảnh báo, yêu cầu người dân không được tắm sông vì có nhiều vực xoáy, nước chảy xiết rất nguy hiểm. Tuy nhiên, vào các buổi chiều, nhiều người dân vẫn đến khu vực này để bơi lội, bất chấp sự cảnh báo của các cấp chính quyền địa phương.

Ngày 3/6, lãnh đạo UBND xã Đặng Cương, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng cho biết, trên địa bàn xảy ra vụ đuối nước khiến bé trai 12 tuổi tử vong. Đây là học sinh đang trong thời gian nghỉ hè. Trước đó, ngày 20/5, bốn em học sinh đã tử vong khi rủ nhau đi tắm tại khu vực kênh Sông Quao, xã Thuận Minh, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Em bé rơi vào nguy kịch vì đuối nước
Một em bé rơi vào nguy kịch vì đuối nước, điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Ngày 23/5, một đoàn khách khoảng 50 người gồm phụ huynh và học sinh của trường tư thục ở Tây Mỗ, Hà Nội về tham quan, trải nghiệm tại vườn Quốc gia Xuân Thủy (tỉnh Nam Định). Do là bãi cát non nên khi nước dâng lên, thay đổi dòng chảy, nhiều học sinh bị sụt và nước cuốn khiến hai người tử vong, trong đó có một học sinh.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), để giảm thiểu những rủi ro do đuối nước, các cơ quan liên quan cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, ngoài những giải pháp đã, đang triển khai như: Tổ chức lớp dạy bơi cần phải đẩy mạnh việc dạy thêm kỹ năng bơi lội an toàn cho trẻ; Tăng cường sự giám sát của nhà trường và gia đình với trẻ.

Đặc biệt, chúng ta cần huy động sự vào cuộc, giám sát của cộng đồng, để người dân thường xuyên để ý, cảnh báo nếu thấy trẻ em bơi lội ở nơi không an toàn, nhất là ở các bãi tắm tự phát. Địa phương cần tính tới việc cử người thường xuyên trông coi ở những địa điểm có cảnh báo nguy hiểm vào mùa cao điểm.

Cấp bách các biện pháp phòng chống đuối nước

Theo ông Đặng Hoa Nam, tại Hà Nội, các cơ quan chức năng của thành phố cần tuyên truyền định hướng hoặc tổ chức những đội cứu hộ, thanh niên tình nguyện sẵn sàng ứng phó, khẩn trương vào cuộc loại bỏ những bãi tắm tự phát tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm, để đảm bảo an toàn cho người dân.

Trước tình hình các cuộc tai nạn thương tích đuổi nước liên tiếp xảy ra, Bộ Công an cũng đã đưa ra khuyến cáo người dân về các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ em, cứu người bị đuối nước, thoát nạn khỏi vùng nước xoáy. Theo đó, khi trẻ tắm tại bể bơi, biển, chơi gần sông, suối, ao, hồ cần có người lớn giám sát; Lấp các hố, giếng nước không cần thiết. Khi phát hiện người đuối nước hãy hô hoán, dùng cây sào, phao, dây... để họ bám và kéo vào bờ; Không nhảy xuống nước cứu người khi không biết bơi và không có kỹ năng cứu đuối nước. Người lớn cần trang bị kiến thức để sơ cứu ban đầu cho người bị đuối nước.

Trẻ cần được trang bị kỹ năng bơi và phòng chống đuối nước
Trẻ cần được trang bị kỹ năng bơi và phòng chống đuối nước

* Theo TS.BS Lê Ngọc Duy, nếu được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể qua cơn nguy kịch nhưng cũng có thể dẫn tới biến chứng nặng nề như: Suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu ô xy kéo dài, hoặc thậm chí trẻ có thể tử vong.

Phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc để lại di chứng não bởi không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách. Vài phút đầu là thời gian vàng để cấp cứu trẻ đuối nước. Việc cấp cứu đúng cách cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của trẻ".

Tuỳ vào tình hình thực tế và năng lực của mỗi cá nhân mà có phương pháp, biện pháp cứu người bị đuối nước sao cho phù hợp. Còn với dòng xoáy ở biển rất nguy hiểm. Trên thực tế, nhiều người bị hoảng loạn khi gặp tình huống này cố bơi ngược trở lại vào bờ nhưng hầu hết đều bị chết đuối…

Chia sẻ về các biện pháp phòng đuối nước, TS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Chúng ta cần tổ chức tuyên truyền cho mọi người dân cùng tham gia phòng tránh đuối nước trẻ em; Giáo dục kiến thức, kỹ năng cho trẻ từ lớp 1 phòng chống đuối nước và dạy trẻ bơi an toàn cùng với đó tuyên truyền cho người chăm sóc trẻ luôn để ý, quản lý, giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi; Loại bỏ nguy cơ đuối nước cho trẻ em tại cộng đồng, gia đình, trường học.

Các khu vực bơi công cộng phải được giám sát bởi nhân viên được huấn luyện về các kỹ thuật cứu hộ. Ao, hồ, dụng cụ chứa nước trong gia đình phải có rào chắn, nắp đậy; Có các biển cảnh báo tại các sông ngòi, hồ nước... nơi công cộng.

Cha mẹ và nhà trường giáo dục, hướng dẫn cho trẻ nhận biết các nơi nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước; Tuyên truyền phổ biến các biện pháp phòng ngừa và cấp cứu ban đầu đúng cho người dân; Tổ chức các lớp cấp cứu cơ bản cho cộng đồng".

(Còn nữa)

Lê Dung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động