Bắc Giang: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc sản địa phương

Sau hơn 5 năm triển khai Đề án tái cơ cấu, ngành Nông nghiệp đã đạt được kết quả tích cực. Giá trị sản xuất bình quân/ha đất canh tác đạt 105 triệu đồng, tăng 45 triệu đồng sau 5 năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng cao, nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi; có 114 xã và hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trong thời gian tới, tỉnh sẽ dành nhiều nguồn lực để nâng cao sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc sản địa phương
Bắc Giang chi gần 11,6 tỷ đồng hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản Bắc Giang: Hỗ trợ đầu tư cơ sở bảo quản và chế biến nông sản Bắc Giang: Luôn coi trọng tất cả các thị trường trong việc tiêu thụ vải thiều 40 doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc

Chiều ngày 23/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) năm 2019, triển khai kế hoạch công tác năm 2020. Dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

bac giang day manh phat trien san pham chu luc va san pham dac san dia phuong
Ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang về tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2019

Năm 2019, theo ước tính, giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp tăng 2,32% so với năm 2018, trong đó nông nghiệp tăng 4,85%, thủy sản tăng 6,25%; GDP toàn ngành tăng khoảng 2,2%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 41,3 tỷ USD. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đó, năm 2019, sản xuất nông nghiệp cả nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) diễn biến phức tạp và bùng phát ở 63/63 tỉnh, thành phố. Tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan. Thị trường nhiều mặt hàng nông sản không ổn định.

Do đó, ngành Nông nghiệp xác định năm 2020 tập trung xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) phồn vinh và văn minh. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP ngành từ 2,8 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9 - 3,05%; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM 59%; thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp.

bac giang day manh phat trien san pham chu luc va san pham dac san dia phuong
Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang

Để đạt mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp tập trung vào các giải pháp như: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi trên cơ sở điều chỉnh Chiến lược phát triển chăn nuôi; phát triển đồng bộ, toàn diện cả khai thác và nuôi trồng thủy sản; tập trung trồng và chăm sóc rừng. Phát triển công nghiệp chế biến, sản xuất muối và ngành nghề nông thôn; đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và xuất khẩu; thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM...

Phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang, ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND tỉnh khái quát tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Sau hơn 5 năm triển khai Đề án tái cơ cấu, ngành Nông nghiệp đã đạt được kết quả tích cực. Giá trị sản xuất bình quân/ha đất canh tác đạt 105 triệu đồng, tăng 45 triệu đồng sau 5 năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng cao. Có nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi; 114 xã và hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

bac giang day manh phat trien san pham chu luc va san pham dac san dia phuong
Bắc Giang đã đề ra mục tiêu, giải pháp phát triển ngành Nông nghiệp trong thời gian tới theo hai trục là nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm đặc sản địa phương

Căn cứ vào điều kiện của tỉnh, Bắc Giang đã đề ra mục tiêu, giải pháp phát triển ngành Nông nghiệp trong thời gian tới theo hai trục là nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm đặc sản địa phương. Bắc Giang quan tâm xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ. Sau khi Nhật Bản có quyết định cho sản phẩm vải thiều nhập khẩu vào thị trường này, Bắc Giang đang tập trung chỉ đạo sản xuất liên kết chuỗi gắn với thị trường tiêu thụ đối với quả vải. Riêng đối với sản phẩm gà đồi đã được nuôi theo quy trình an toàn tập trung, doanh thu mỗi năm hơn 1.500 tỷ đồng.

Đối với phòng, chống DTLCP, Bắc Giang đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhờ đó, 30 ngày qua, nhiều nơi trong tỉnh không có lợn chết. Hiện đàn lợn nái bảo đảm nguồn lợn giống phục vụ tái đàn. Tuy nhiên, tỉnh chỉ đạo chỉ tái đàn ở nơi đủ điều kiện và giao Sở Nông nghiệp và PTNT giám sát chặt chẽ việc tái đàn. Riêng dịp Tết này, Bắc Giang có khoảng 300 nghìn đầu lợn đủ tiêu chuẩn xuất chuồng, tương đương hơn 35 nghìn tấn thịt cung cấp cho thị trường. Trong đó, 40% cung cấp cho người dân trong tỉnh, còn lại là các thị trường lân cận như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Như vậy, Bắc Giang bảo đảm nguồn thực phẩm cho người dân đón Tết.

Cùng với chăn nuôi, Bắc Giang quan tâm phát triển kinh tế rừng. Bà con có thu nhập cao từ trồng rừng, đời sống được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đối mặt với một số khó khăn như: Hệ thống đê điều xuống cấp từ nhiều năm, việc tích tụ đất đai phát triển sản xuất quy mô tập trung gặp trở ngại. Do vậy, đồng chí Dương Văn Thái đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản sang các nước; hỗ trợ Bắc Giang cải tạo kênh mương, hồ đập. Chính phủ xem xét có chế tài xử lý đối với vật tư đầu vào kém chất lượng, giảm thiệt hại cho nông dân; quan tâm chỉ đạo xây dựng NTM, bố trí kinh phí, bảo đảm nguồn lực cho đầu tư xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

bac giang day manh phat trien san pham chu luc va san pham dac san dia phuong
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tích nổi bật của toàn ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2019

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tích nổi bật của toàn ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2019. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, yếu kém như cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Công nghiệp chế biến chưa phát triển đồng đều, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao…

Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp Việt Nam đạt một số mục tiêu năm 2020: Tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp đạt 3%, cao hơn năm nay. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng mà Quốc hội đã giao là 42%, tỷ lệ đạt chuẩn nông thôn mới 59%, ít nhất có 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp để cả nước có 17.000 Hợp tác xã nông nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh và giao một số nhiệm vụ cho Bộ Nông nghiệp và PTNT như tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tăng cường khâu chế biến, bảo quản nông sản, sản xuất theo tín hiệu và yêu cầu của thị trường, mở rộng phát triển thị trường. Giữ chất lượng và chữ tín các sản phẩm nông nghiệp. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Vi Hải
Phiên bản di động