Âm nhạc trẻ Việt Nam tìm về truyền thống: Hướng đi tích cực, đột phá

Thời gian gần đây, âm nhạc trẻ Việt Nam có sự xoay chiều đáng chú ý. Nhiều sáng tác, MV (video âm nhạc) lấy cảm hứng từ chất liệu lịch sử, văn học và thổi vào đó hơi thở thời đại được công chúng đón nhận, cổ vũ. Đây là hướng đi tích cực, nếu khơi đúng mạch sẽ tạo nên đột phá cho âm nhạc Việt.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Người chép sử bằng âm nhạc Sốc: Hiệu trưởng bị phụ huynh tát tai ngay tại trung tâm âm nhạc Dàn nhạc do Tổng thống Nga Vladimir Putin trực tiếp điều hành, tới Hà Nội biểu diễn Mang âm nhạc của người Khơmú đến Thủ đô Cách sử dụng bộ điều chỉnh âm nhạc trên iPhone và iPad
am nhac tre viet nam tim ve truyen thong huong di tich cuc dot pha
Nhiều video âm nhạc lấy cảm hứng từ chất liệu lịch sử, văn học mang hơi thở thời đại được công chúng đón nhận, cổ vũ. Trong ảnh: Ca sĩ Sèn Hoàng Mỹ Lam đưa“hơi thở” hiện đại vào giai điệu dân gian Tây Bắc.

Âm nhạc trẻ giàu bản sắc Việt lên ngôi

Trong tuần qua, người yêu nhạc đón nhận những sản phẩm âm nhạc khá nổi bật của các ca sĩ trẻ. Đó là album và MV “Mời anh về Tây Bắc” của Sèn Hoàng Mỹ Lam - ca sĩ người dân tộc Nùng, đoạt quán quân giải Sao Mai 2017 phong cách dân gian. Qua giọng hát trong trẻo của cô, 8 ca khúc mới do những người trẻ khai thác âm hưởng dân gian miền núi, nội dung ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người Tây Bắc đã nhanh chóng lan tỏa rộng rãi. Có khả năng thể hiện xuất sắc nhiều phong cách âm nhạc, nhưng Sèn Hoàng Mỹ Lam vẫn chọn hướng âm nhạc dân gian khi phát triển sự nghiệp.

“Tôi không hát các ca khúc đã nổi tiếng mà thể hiện những sáng tác mới về Tây Bắc, để thổi vào đó tinh thần trẻ trung, hiện đại, nhằm chinh phục khán giả hôm nay”, ca sĩ Sèn Hoàng Mỹ Lam chia sẻ.

Hơn một năm sau MV “Anh ơi ở lại” lấy cảm hứng từ truyện cổ tích “Tấm Cám” tạo hiệu ứng tích cực, ca sĩ, diễn viên Chi Pu vừa ra mắt MV “Cung đàn vỡ đôi” giàu chất liệu dân gian miền Tây Nam Bộ. Bản ballad nhẹ nhàng kết hợp khéo léo nhiều loại nhạc cụ dân tộc, tạo nên sự thích thú với người nghe. Phần hình ảnh đẹp, tái hiện câu chuyện về những người theo đuổi nghệ thuật cải lương Nam Bộ đã góp phần đưa môn nghệ thuật truyền thống này đến gần khán giả trẻ. Chỉ sau một ngày ra mắt, MV đã đạt hơn 1,6 triệu lượt xem, nằm vị trí thứ 4 trong tốp thịnh hành của YouTube Việt Nam.

Tương tự, MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của ca sĩ Hòa Minzy ra mắt hồi tháng 5-2020, khai thác câu chuyện lịch sử về Nam Phương Hoàng hậu của Triều Nguyễn, đã được khán giả trẻ đón nhận nhiệt tình. MV được ngợi khen vì đầu tư, nghiên cứu lịch sử kỹ lưỡng làm nổi bật vẻ đẹp văn hóa Việt Nam, hiện đã đạt hơn 24 triệu lượt xem, từng đứng đầu tốp thịnh hành của YouTube Việt Nam.

Trong làn sóng tìm về chất liệu truyền thống, lịch sử của nhạc trẻ Việt, không thể thiếu gương mặt Hoàng Thùy Linh, với ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” đã “làm mưa, làm gió” hơn một năm qua. Ca khúc mang âm hưởng dân gian Tây Bắc, pha chút R&B, cùng nhạc rap, nhạc điện tử sôi động, cộng với phần MV khai thác các tác phẩm văn học “Vợ chồng A Phủ”, “Chí Phèo”, “Vợ nhặt”, “Lão Hạc”, “Tắt đèn”, “Số đỏ”… đã “chạm” được cảm xúc của khán, thính giả.

Cũng với giai điệu hiện đại, ca từ vừa mang yếu tố dân gian, vừa mang yếu tố văn học, album “Hoàng” của Hoàng Thùy Linh nhanh chóng chinh phục giới trẻ. Với các sản phẩm này, Hoàng Thùy Linh lập kỷ lục khi thắng 4 hạng mục của giải âm nhạc “Cống hiến” 2019, “ẵm” 7/10 giải âm nhạc “Làn sóng xanh” 2019 và gây ấn tượng với người yêu nhạc quốc tế tại Lễ hội âm nhạc “Gió mùa”.

Nhiều ca sĩ trẻ cũng theo xu hướng này và gặt hái thành công, như Đức Phúc với MV “Hết thương cạn nhớ”, Thu Hằng với MV “Nhà em ở lưng đồi”…

am nhac tre viet nam tim ve truyen thong huong di tich cuc dot pha
Ca sĩ Hòa Minzy khai thác chất liệu lịch sử trong video âm nhạc “Không thể cùng nhau suốt kiếp”.

Từ kho “trầm tích” luyện thành “kim cương”

Những thành công của nghệ sĩ trẻ thời gian qua cho thấy, chất liệu lịch sử, văn học là kho “trầm tích” vô cùng quý giá, vừa tạo nên bản sắc của nhạc Việt, vừa dễ được công chúng, nhất là các bạn trẻ đón nhận. “Ca dao, tục ngữ, lời ru, những tác phẩm văn học… đều là chất liệu và nguồn cảm hứng cho âm nhạc. Đây cũng là cách thể hiện tình yêu dân tộc của những người làm nghệ thuật và cơ hội để truyền bá văn hóa cho thế hệ trẻ”, Thịnh Kainz, thành viên nhóm DTAP - tác giả ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” chia sẻ.

Là người yêu thích âm nhạc, Nguyễn Đức Toàn, sinh viên năm thứ 2, Học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông cho biết: “Những ca khúc mang hơi hướng truyền thống rất dễ nghe. Nhiều khi chúng khiến tôi nhớ lại những bài học lịch sử, văn học thời học sinh…”.

Điểm chung của các ca khúc tiếp cận được đông đảo giới trẻ là không đơn thuần “bê” nguyên chất liệu truyền thống, lịch sử vào tác phẩm, mà thổi vào đó không khí thời đại hôm nay. Theo nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, ca khúc thành công khi có nội dung đương đại, nhưng giai điệu mang âm hưởng dân gian, hoặc đẩy tiết tấu hiện đại, đang thịnh hành như R&B, pop, rock sôi nổi vào những đề tài lịch sử, truyền thống…

Không chỉ ở nước ta, việc sử dụng chất liệu truyền thống, lịch sử là xu hướng chung của âm nhạc thế giới. Theo nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, hầu hết tác phẩm nổi tiếng của các ban nhạc châu Âu, Mỹ đều mang hơi thở dân gian, truyền thống của đất nước họ. Vì vậy, việc các nghệ sĩ trẻ hiện nay khai thác chất liệu này rất đúng đắn và có cơ hội bước ra thế giới.

“Tuy nhiên, thời gian qua, các nghệ sĩ trẻ chỉ tận dụng được phần nhỏ vốn quý của dân tộc và thể hiện ở bề nổi. Từ kho “trầm tích” luyện thành “kim cương”, đòi hỏi tài năng của nghệ sĩ. Họ phải biết chắt lọc những tinh chất đắt giá và kết hợp thông minh với tinh hoa nhân loại để tạo nên ngôn ngữ âm nhạc riêng”, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh nhận định.

Được sự đón nhận tích cực của công chúng và giới chuyên môn, âm nhạc trẻ Việt đang bước vào giai đoạn mới: Khai thác sâu sắc, chất lượng hơn vốn quý của dân tộc, từ đó tạo đột phá để vươn lên tầm cao mới.

Nguồn: Hanoimoi
www.hanoimoi.com.vn
Phiên bản di động