98% lao động có việc làm nhưng chất lượng còn hạn chế

Theo thống kê, tỷ lệ lao động có việc làm năm 2018 đạt 98% nhưng chất lượng lao động còn khá hạn chế.
Hàn Quốc nới lỏng chính sách thị thực đối với lao động nước ngoài "Sẽ giải thể và tái cấu trúc các trường nghề yếu kém" Siết chặt quản lý xuất khẩu lao động bất hợp pháp ở Hà Tĩnh Bi kịch "lao động chui" sang Trung Quốc

Thông tin tại diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” mới đây, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cho hay tỷ lệ lao động có việc làm chiếm tỷ trọng cao trong tổng số lực lượng lao động và có xu hướng tăng nhanh cùng sự phát triển của nền kinh tế.

Chất lượng lao động chưa cao

Năm 2000, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm chiếm khoảng 96,2% tổng lực lượng lao động. Tỷ lệ này được duy trì trong hơn 10 năm (từ 2000 đến 2010) và tăng lên khoảng 98% từ năm 2011 đến nay.

Năm 2016, tỷ lệ lao động có việc làm là 97,9%; năm 2017 là 97,96%; năm 2018 đạt 98%.

Tuy nhiên, số lao động là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh và lao động làm công ăn lương chỉ chiếm khoảng 44% trong tổng số lao động có việc làm, mặc dù tỷ lệ này đã có sự gia tăng hàng năm.

Số lao động tự tạo việc làm và lao động gia đình chiếm khoảng 56% trong tổng lao động có việc làm.

Điều này phần nào cho thấy chất lượng việc làm của lao động Việt Nam còn khá hạn chế, tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức còn cao.

98 lao dong co viec lam nhung chat luong con han che
Hình ảnh về học viên Cao đẳng Cơ giới Hà Nội tại triển lãm diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”. Ảnh: Q.Q.

Theo bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu so sánh kết quả đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng giáo dục nghề nghiệp giữa các tỉnh năm 2017, Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tốt cao nhất, đạt 55,2%. Long An xếp ở vị trí tiếp theo (51,6%) và Đồng Tháp (51,2%).

Đây là 3 tỉnh có trên 50% tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp đạt chất lượng tốt.

Ở chiều ngược lại, Điện Biên (20,6%) và Yên Bái (24,7%) là hai tỉnh có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tốt về chất lượng giáo dục đào tạo nghề thấp nhất, đạt chưa đến 1⁄4 số lượng doanh nghiệp.

Hai trung tâm kinh tế, cũng là trung tâm giáo dục lớn của Việt Nam, là TP.HCM và Hà Nội đều có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá lần lượt là 40,6% và 32,5%, xếp thứ 22 và 45 trên tổng số 63 tỉnh thành.

98 lao dong co viec lam nhung chat luong con han che
Ảnh triển lãm tại Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”. Ảnh Q.Q.

Doanh nghiệp phải gắn kết với trường nghề

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo Ngân hàng Thế giới, phần lớn người sử dụng lao động cho hay tuyển dụng lao động là công việc khó khăn vì các ứng viên thiếu kỹ năng hoặc khan hiếm người lao động trong một số ngành nghề.

Khác với nhiều quốc gia khác trên thế giới hiện nay, Việt Nam không gặp khó khăn về thiếu lao động nhưng doanh nghiệp khó tìm được lao động có kỹ năng phù hợp với họ.

98 lao dong co viec lam nhung chat luong con han che
Sinh viên Cao đẳng nghề tại TP.HCM. Ảnh: CĐ Việt Mỹ.

Ngân hàng Thế giới cho rằng các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng mối quan hệ đối tác chặt chẽ. Phụ huynh cần tham gia nhiều hơn vào việc học hành của con em mình. Người học cần va chạm với công việc thực tế trước khi tốt nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Cường cho rằng thành công lớn nhất của Nhật Bản trong quá trình phát triển nguồn lực là đào tạo lao động kỹ thuật tại các công ty. Ở Nhật, phần lớn lao động được đào tạo theo hình thức này. Khi người lao động tham gia "gia đình công ty", họ sẽ được đào tạo để trở thành con người thực sự của công ty, kể cả về kỹ năng làm việc và lối sống.

Quá trình đào tạo của công ty diễn ra theo hai giai đoạn. Giai đoạn một là tác phong, thực tế, tập đoàn hóa. Giai đoạn hai là đào tạo chuyên môn thông qua hình thức đào tạo tại chỗ chính quy và không chính quy.

Trong đó, hình thức đào tạo tại chỗ chính quy đảm bảo đào tạo người lao động theo chương trình chính thống, đánh giá theo chuẩn mực thống nhất.

Hình thức đào tạo tại chỗ không chính quy được coi là quan trọng hơn vì cho phép đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho người lao động thường xuyên và suốt đời.

Nguồn: Zing
news.zing.vn
Phiên bản di động