6 nhóm nhiệm vụ trong ứng phó biến đổi khí hậu cho 10 năm tới

Đề án ứng phó biến đổi khí hậu cho 10 năm tới vừa được Thủ tướng phê duyệt đề ra 6 nhóm nhiệm vụ giúp sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong phát triển đô thị, giảm mức độ ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất, giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất và các thiên tai khác.
Liên Hợp Quốc: 2021 là năm quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu Trái đất bước vào kỷ nguyên đại tuyệt chủng lần thứ sáu Dược sĩ làm hỏng 500 liều vaccine vì cho rằng gây biến đổi DNA của người

Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030.

Mục tiêu của đề án là sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong phát triển đô thị, giảm mức độ ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất, giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất và các thiên tai khác.

6 nhóm nhiệm vụ trong ứng phó biến đổi khí hậu cho 10 năm tới
Thủ tướng yêu cầu cần phải giảm mức độ ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất, giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất và các thiên tai khác

Đề án được chia làm 3 giai đoạn. Từ năm 2021 đến 2025, đề án thực hiện tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và các đô thị thuộc 7 tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ, duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long và 7 tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Giai đoạn 2026 - 2030, kế hoạch tiếp tục thực hiện tại đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại vùng miền núi phía Bắc, duyên hải ven biển miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh xuất hiện các tác động mới của biến đổi khí hậu.

Sau năm 2030, các nhiệm vụ được áp dụng phạm vi toàn quốc.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, đề án nhấn mạnh 6 nhóm nhiệm vụ. Nhiệm vụ đầu tiên là điều tra, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển hệ thống đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2021 - 2030; khoanh vùng khu vực có nguy cơ chịu tác động cao của biến đổi khí hậu; tính toán khả năng và mức độ tự thích nghi, đề xuất giải pháp ứng phó; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro biến đổi khí hậu tại đô thị (gọi tắt là Atlas Đô thị và Khí hậu).

Tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu tích hợp nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch và chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; cảnh báo các rủi ro tại các khu vực phát triển đô thị có khả năng chịu tác động từ biến đổi khí hậu.

6 nhóm nhiệm vụ trong ứng phó biến đổi khí hậu cho 10 năm tới
Các thành phố cần thực hiện các dự án thí điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, kiến trúc xanh

Thứ ba là phải rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định liên quan đến phân loại đô thị, quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật trong bối cảnh gia tăng nguy cơ rủi ro từ biến đổi khí hậu.

Nhóm nhiệm vụ thứ 4 là hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị. Hình thành hồ chứa điều tiết ngập lụt, khai thông, nạo vét, cải tạo, gia cố, nắn dòng cho các đường thoát nước đô thị. Xây dựng đê, kè, tường chắn lũ, phân dòng lũ, công trình chứa nước ngầm hiện đại quy mô lớn. Khoanh vùng bảo vệ và có giải pháp tái định cư và di dời dân trong vùng cảnh báo rủi ro. Phát triển nhà ở vượt lũ, nhà ở có khả năng chống chịu cao với gió bão.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các cấp về quản lý, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông tin truyền thông về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới người dân, tăng cường phối hợp cộng đồng và các bên liên quan trong triển khai thực hiện.

Cuối cùng phải thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, thực hiện các dự án thí điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, kiến trúc xanh, sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tái sử dụng, tái chế.

Phạm Mạnh
Phiên bản di động