3 người chết vì viêm phổi cấp, Bộ Y tế lập đội phản ứng nhanh chỉ rõ 3 dấu hiệu

Trước nguy cơ cao lây nhiễm dịch viêm phổi cấp từ Trung Quốc, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các bệnh viện lớn lập đội phản ứng nhanh.
Trong 1 ngày, chính quyền Vũ Hán xác nhận có thêm 17 trường hợp viêm phổi lạ Người Nhật Bản đầu tiên bị viêm phổi lạ Việt Nam phát hiện khách đến từ Vũ Hán (Trung Quốc) có biểu hiện sốt 5 khuyến cáo của Bộ Y tế phòng viêm phổi lạ Bộ Y tế họp khẩn về bệnh viêm phổi cấp

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona (nCoV) mới từ Trung Quốc.

Đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 62 trường hợp mắc viêm phổi cấp, 7 trường hợp nặng, 3 trường hợp tử vong và các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguồn lây từ đâu. Trong khi đó nhiều quốc gia châu Á khác như Thái Lan, Singapore và Nhật Bản cũng đã thông báo phát hiện các ca mắc viêm phổi cấp từ Trung Quốc.

WHO cũng đã xác nhận, virus corona có thể lây lan hạn chế giữa người với người trong nhóm nhỏ, đặc biệt giữa các thành viên trong gia đình.

Để chủ động phát hiện sớm, cách ly, điều trị và ngăn chặn bệnh dịch lan rộng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các Sở Y tế thành lập đội phản ứng nhanh nội viện, ngoại viện để sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới.

Các bệnh viện trực thuộc Bộ và Sở Y tế yêu cầu phải thành lập đội phản ứng nhanh để cấp cứu, cách ly kịp thời các ca viêm phổi cấp khi dịch xảy ra

Đồng thời thiết lập đường dây điện thoại nóng phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do corona virus để tiếp nhận thông tin và sẵn sàng tiếp nhận ứng cứu.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh.

Người bệnh có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt…) phải được phân luồng và khám, tư vấn tại buồng khám riêng biệt, khai thác các yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày, nếu thấy nghi ngờ trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân cần cách ly tạm thời, thông báo khẩn cho cơ quan y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán kịp thời.

Các cơ sở y tế phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn và giọt bắn cho nhân viên y tế có tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh như: Đeo khẩu trang, rửa tay thường quy… Chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc hồi sức cấp cứu, dịch truyền. Rà soát lại các phương tiện máy thở, monitor theo dõi người bệnh, vật tư thiết bị y tế và phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh...

3 triệu chứng bệnh viêm phổi cấp

Theo tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới, Bộ Y tế liệt kê rõ 3 dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh.

Thứ nhất, người bị sốt và viêm phổi, viêm phổi kẽ hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X-quang tổn thương các mức độ khác nhau mà không lý giải được bằng các nhiễm trùng hoặc căn nguyên khác, bao gồm tất cả trường hợp có chỉ định lâm sàng xét nghiệm viêm phổi cộng đồng.

Nguy cơ mắc viêm phổi lạ còn có thể xảy ra ở người bệnh sống hoặc đi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do virus corona mới trong vòng 14 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng.

Người tiếp xúc (trong thời gian ủ bệnh 14 ngày) với trường hợp sốt và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân xuất hiện trong vòng 14 ngày sau khi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do virus corona mới.

Thứ hai, người bệnh có dấu hiệu sốt và có các triệu chứng bệnh lý hô hấp (ho, khó thở...) và có mặt tại các cơ sở y tế ở các vùng dịch tễ đã xác định có các ca mắc bệnh do virus corona mới. Người tiếp xúc vật nuôi bị bệnh, động vật hoang dã ở các vùng dịch tễ trong vòng 14 ngày.

Thứ ba, người bị sốt hoặc có các triệu chứng hô hấp và khởi phát trong vòng 14 ngày sau khi tiếp xúc trường hợp có thể hoặc khẳng định mắc bệnh do nCoV.

Một số trường hợp khác có thể mắc bệnh thông qua bằng chứng dịch tễ và lâm sàng, bao gồm người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh đã được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm bao gồm những người chăm sóc bệnh nhân (nhân viên y tế, gia đình, người thăm bệnh).

Nguồn: VietNamNet
vietnamnet.vn
Phiên bản di động