3 mức kỷ luật với cán bộ về hưu bị phát hiện vi phạm

Uỷ ban Pháp luật đồng ý bổ sung quy định xoá tư cách chức vụ đối với cán bộ về hưu bị phát hiện vi phạm trong thời gian công tác.
Giám đốc sở bị kỷ luật một phát xuống chuyên viên thì rất phí

Vừa qua Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Theo đó, điều 84 dự Luật được bổ sung nội dung cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về vi phạm của mình trong thời gian công tác; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có vi phạm.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay các bộ, ngành, địa phương đều nhất trí bổ sung quy định trên vào dự Luật. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc tính pháp lý vì người đã nghỉ hưu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật; hệ quả pháp lý của việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có vi phạm thì những văn bản, quyết định của người này ký còn hiệu lực hay không...

Ông Lê Vĩnh Tân nói, do đây là hình thức kỷ luật mới, trường hợp áp dụng tương đối rộng nên thực tế có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau; vì vậy, những nội dung này Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép quy định chi tiết ở nghị định.

3 muc ky luat voi can bo ve huu bi phat hien vi pham
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Khắc Định đọc báo cáo thẩm tra dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật cán bộ công chức, Luật viên chức chiều 24/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định tán thành với Chính phủ về việc bổ sung nội dung nêu trên vào dự Luật nhằm thể chế hóa yêu cầu trong nghị quyết Trung ương, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Tuy nhiên, ông Định đề nghị tách nội dung này (đang được bổ sung vào điều 84 dự Luật) thành điều riêng để thể hiện rõ hơn; nghiên cứu quy định về các hình thức kỷ luật phải bảo đảm hệ quả pháp lý gắn trực tiếp với quyền lợi cá nhân về vật chất, tinh thần mà người có vi phạm đã được hưởng trong thời gian công tác hoặc nghỉ hưu để có tính răn đe, thuyết phục cao hơn.

Ngoài ra, trong dự Luật, Chính phủ cũng đề nghị không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, bởi giữ đồng thời 2 hình thức kỷ luật "giáng chức" và "cách chức" dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng "giáng chức" thay vì phải "cách chức".

Hơn nữa, quy định kỷ luật giáng chức là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Hình thức "giáng chức" thực chất là bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn, trong khi đó tại vị trí được bổ nhiệm đã xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý.

"Để bảo đảm sự nghiêm khắc với các vi phạm, đặc biệt là vi phạm của công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý ở mức độ nhẹ hơn thì dự thảo Luật không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Pháp luật lại có nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục giữ quy định "giáng chức", vì cho rằng về mặt pháp lý, quy định này là cần thiết, mang tính răn đe cao và thực tế thời gian qua đã được áp dụng.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và sẽ thảo luận tại hội trường vào ngày 10/6.

Luật Cán bộ, công chức được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 13/11/2008, tại kỳ họp thứ 4, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010. Luật Viên chức được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 15/11/2010, tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012.
Nguyễn Anh
Theo VNE
Phiên bản di động