20 trường hợp nghỉ làm vẫn được tính lương kể từ tháng 1/2021

Từ 1/1/2021, theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ hưởng lương trong 20 trường hợp.
Quy định mới về cách trả lương cho lao động Năm 2020, không điều chỉnh mức lương cơ sở Chính phủ đề nghị chưa tăng lương cho công chức trong năm 2021

Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 sẽ có hiệu lực từ 1-1-2021 tới. Vừa qua, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 145/2020 quy định chi tiết một số điều luật trong BLLĐ 2019.

Với quy định tại BLLĐ 2019 và Nghị định 145/2020, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, người lao động (NLĐ) được nghỉ làm việc nhưng vẫn được hưởng lương trong 20 trường hợp sau:

1. Nghỉ giữa giờ. NLĐ làm việc từ 6 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục (theo khoản 2 Điều 64 Nghị định 145/2020).

2. Nghỉ giải lao theo tính chất của công việc (khoản 2 Điều 109 BLLĐ 2019).

3. Thời gian nghỉ ngơi đối với NLĐ làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không; thăm dò, khai thác dầu khí trên biển…( Điều 116 BLLĐ 2019)

4. Thời giờ nghỉ đối với lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi (khoản 2 Điều 137 BLLĐ 2019).

5. Thời giờ nghỉ đối với lao động nữ trong thời gian hành kinh (khoản 4 Điều 137 BLLĐ 2019).

6. Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của NLĐ.

7. Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý.

8. Thời giờ NLĐ học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động theo quy định tại (khoản 5 Điều 61 BLLĐ 2019).

9. Thời giờ mà người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở sử dụng để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại (khoản 2 và khoản 3 Điều 176 của BLLĐ 2019).

10. Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động.

20 trường hợp nghỉ làm vẫn được tính lương kể từ tháng 1-2021
ảnh minh họa

11. Thời giờ đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nếu thời giờ đó được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.

12. Nghỉ hằng năm.

13. Nghỉ lễ, Tết.

14 Nghỉ kết hôn 3 ngày.

15. Nghỉ khi con nuôi, con đẻ kết hôn một ngày.

16. Nghỉ khi cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết 3 ngày.

17. Nghỉ khi bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó không bị xử lý kỷ luật lao động (Điều 128 BLLĐ 2019).

18. Thời gian không được làm việc do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật (Điều 41 BLLĐ 2019).

19. Thời gian NLĐ điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Khoản 3 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015).

20. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội được nghỉ hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con (Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014). Lưu ý, trường hợp này, lao động nam sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội trả tiền để bù đắp cho tiền lương những ngày nghỉ việc.

Nguồn: PLO
plo.vn
Phiên bản di động