1/3 số người nhiễm nCoV có thể là "mầm bệnh thầm lặng"

Số "mầm bệnh thầm lặng", tức người nhiễm nCoV nhưng chậm xuất hiện triệu chứng hoặc không có triệu chứng, có thể cao bằng 1/3 số ca dương tính.
20 nước đặt mua kit xét nghiệm nCoV của Việt Nam Đoàn viên, thanh niên báo Tuổi trẻ Thủ đô cùng cộng đồng chung tay chống giặc Covid-19 95% bệnh nhân mắc Covid-19 trên thế giới đã và đang hồi phục Cách ho và hắt xì, làm sao cho đúng cách?

Theo báo cáo mật của chính phủ Trung Quốc được phóng viên SCMP tiếp cận, hơn 43.000 người ở nước này dương tính với nCoV tính đến cuối tháng 2 nhưng không có triệu chứng tức thì, tình trạng thường được gọi là không triệu chứng bệnh. Họ được cách ly và theo dõi nhưng không được tính vào khoảng 80.000 ca nhiễm nCoV được Trung Quốc đại lục công bố vào thời điểm đó.

Các nhà khoa học tới nay vẫn chưa thể nhất trí về vai trò của các ca nhiễm không triệu chứng trong sự lây lan của Covid-19. Bệnh nhân nhiễm nCoV thường có triệu chứng trong 5 ngày, dù thời gian ủ bệnh có thể kéo dài đến ba tuần trong một số trường hợp hiếm gặp.

Trong lúc đó, các nước lại có cách tính số người nhiễm nCoV khác nhau. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng người dương tính nCoV sau khi xét nghiệm đều là những ca nhiễm được xác nhận, bất kể họ có triệu chứng hay không. Hàn Quốc cũng làm theo cách này.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã thay đổi hướng dẫn tính số ca nhiễm vào ngày 7/2, chỉ tính những bệnh nhân có triệu chứng. Mỹ, Anh và Italy thậm chí không xét nghiệm người không có triệu chứng, ngoài các nhân viên y tế bị phơi nhiễm trong thời gian dài với virus.

Việc Trung Quốc và Hàn Quốc tiến hành xét nghiệm bất cứ ai tiếp xúc gần với bệnh nhân, bất kể người đó có triệu chứng hay không, có thể là lý do hai quốc gia châu Á này dường như đã ngăn chặn được virus lây lan. Đặc khu Hong Kong thậm chí còn xét nghiệm cho mọi hành khách đến sân bay, dù họ không có triệu chứng.

Trong khi đó, phần lớn các nước châu Âu và Mỹ, nơi chỉ người bộc lộ triệu chứng được xét nghiệm, số ca nhiễm tiếp tục tăng vọt.

1/3 số người nhiễm nCoV có thể là
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV tại một bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hồi tháng 2. Ảnh: Xinhua.

Ngày càng nhiều nghiên cứu đặt câu hỏi về tuyên bố trước đó của WHO rằng lây nhiễm không triệu chứng là "cực kỳ hiếm". Một báo cáo của phái đoàn quốc tế thuộc WHO tới thăm Trung Quốc ước tính số ca nhiễm không triệu chứng chiếm 1-3% tổng số ca nhiễm.

Hiroshi Nishiura, nhà dịch tễ học tại Đại học Hokkaido, trong thư gửi Tạp chí quốc tế về Các bệnh truyền nhiễm hồi tháng 2 cho biết tỷ lệ bệnh nhân Nhật không triệu chứng được sơ tán khỏi Vũ Hán là khoảng 38%, tương đương số liệu trong báo cáo mật của chính phủ Trung Quốc.

Hàn Quốc, nơi đã xét nghiệm cho gần 300.000 người tiếp xúc gần với các ca nhiễm tính đến 18/3, cho biết hơn 20% các ca nhiễm không triệu chứng được báo cáo cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) vẫn không có triệu chứng đến khi họ xuất viện.

"Hàn Quốc hiện có tỷ lệ mắc bệnh không triệu chứng cao hơn các nước khác, có thể do xét nghiệm rộng rãi của chúng tôi", Jeong Eun-kyeong, giám đốc KCDC phát biểu tại cuộc họp báo hôm 16/3.

Theo dữ liệu thu được từ Diamond Princess, du thuyền bị cách ly nhiều tuần ở cảng Yokohama, Nhật Bản, trong số 712 hành khách và thành viên thủy thủ đoàn dương tính với nCoV, 334 người không triệu chứng.

Một báo cáo của Liên minh châu Âu (EU) ước tính tỷ lệ các ca nhiễm nCoV không triệu chứng ở Italy là 44%. Tại phần lớn các khu vực ở Italy, người dân không triệu chứng không được xét nghiệm.

WHO cho biết người mang mầm bệnh không triệu chứng dường như không phải yếu tố chính trong sự lây lan của Covid-19. Tuy nhiên, một số nhà khoa học tỏ ra hoài nghi về đánh giá này.

Một nghiên cứu chung của các chuyên gia Trung Quốc đại lục, Mỹ, Anh, và Hong Kong nhận định các ca viêm phổi, phần lớn với triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, là nguồn lây nhiễm cho 79% các ca nhiễm nCoV được xác nhận trước khi Vũ Hán bị phong tỏa ngày 23/1.

"Các ca nhiễm không được ghi nhận thường trải qua triệu chứng nhẹ, hạn chế hoặc không triệu chứng và do đó không được phát hiện. Tùy vào mức độ lây nhiễm và số lượng, các ca không triệu chứng có thể lây nhiễm cho nhiều người hơn các trường hợp khác", chuyên gia từ Đại học Columbia, Đại học Hong Kong, Đại học Hoàng gia London, Đại học Thanh Hoa và Đại học California, Davis viết trong báo cáo.

1/3 số người nhiễm nCoV có thể là
Hiroshi Nishiura, nhà dịch tễ học tại Đại học Hokkaido. Ảnh: YouTube.

Ho Pak-leung, giáo sư khoa vi sinh của Đại học Hong Kong, nói rằng một số bệnh nhân không triệu chứng mang lượng virus tương đương những người có triệu chứng.

"Tất nhiên thật khó để nói rằng họ có thể ít lây nhiễm hơn nếu không ho, nhưng cũng có những giọt bắn khi bạn nói", ông nói, đề cập đến cách virus lây truyền qua đường hô hấp.

Benjamin Cowling, giáo sư dịch tễ học và thống kê sinh học tại Đại học Hong Kong, cho biết có bằng chứng rõ ràng rằng người nhiễm bệnh có thể truyền bệnh trước khi các triệu chứng xuất hiện. "Có rất nhiều báo cáo về việc lây nhiễm khoảng 1-2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng", Cowling cho hay.

Việc hiểu rõ hơn về các ca nhiễm không triệu chứng có thể dẫn đến sự điều chỉnh trong chính sách y tế công cộng, các chuyên gia cho biết. "Tỷ lệ nhiễm không triệu chứng ở trẻ em có thể cao hơn người lớn", Nishiura viết trên Tạp chí quốc tế về Các bệnh Truyền nhiễm. "Điều đó sẽ thay đổi đáng kể quy mô dịch, thậm chí các biện pháp can thiệp tối ưu cũng có thể thay đổi".

Nguồn: VnExpress
vnexpress.net
Phiên bản di động